Tham vấn trong thời điểm nào?
Cho ý kiến tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên), các đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp tình hình thực tiễn cũng như chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ngày 20.1.2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.
Dự thảo Luật có 8 chương, 72 điều, giảm 101 điều so với luật hiện hành. Theo các đại biểu, đây là sự tích cực, nỗ lực rất lớn của cơ quan soạn thảo.
![Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 4, sáng 12.2 z6310747393508-6e8abeb3e2898884d66a786081df4967.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667b762bc7d78dc66f1ee6e1e820d0a4ee48bd317b3e67c2c5a8fcb3a5c3b3eaf9ff4e1c7ae6366e9a0e87de508925a748ed8d3f352c850bbf4eb1041c3beb72b829/z6310747393508-6e8abeb3e2898884d66a786081df4967.jpg)
Tại Điều 6 về phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của dự thảo Luật quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật khác có liên quan. Phản biện xã hội được thực hiện trong thời gian cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...
![ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Trần Thu to0102.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667bff8f7ef569902c3af820b2f29b45585d2b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/to0102.jpg)
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu), quy định tại Điều 6 rất phù hợp với Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị - xã hội tham gia phản biện chính sách sẽ rất phù hợp, vì họ nắm sát thực tiễn hơn.
![ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) phát biểu. Ảnh: Trần Thu to0103.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667bfa6752f740ab3e34a92fb23b70edbe4c2b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/to0103.jpg)
Còn theo ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận), việc bổ sung từ “tham vấn” là điểm mới. Dự thảo cũng đã nêu rõ khái niệm “tham vấn chính sách là việc trao đổi trực tiếp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách với cơ quan được tham vấn theo quy định của Luật này nhằm lựa chọn giải pháp, hoàn thiện chính sách của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết”. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ tham vấn trong thời điểm nào; khi tham vấn xong thì ai chịu trách nhiệm tổng hợp?
Chia sẻ với ý kiến trên, ĐBQH Lê Tiến Châu (Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) bổ sung, việc tăng cường hoạt động phản biện xã hội sẽ giúp tăng chất lượng dự án luật. Song, cần có nghiên cứu về chất lượng phản biện hiện nay để có biện pháp củng cố.
Mặt khác, cần làm rõ cơ chế tiếp thu ý kiến phản biện. Bởi thực tế cho thấy, Mặt trận Tổ quốc tổ chức phản biện rất nghiêm túc, mời chuyên gia đầu ngành phản biện rồi gửi cơ quan soạn thảo, song cơ quan đó tiếp thu thế nào là một chuyện. Do vậy, đại biểu lưu ý hai việc phải làm: một là, nâng cao chất lượng phản biện; hai là, có cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bổ sung thêm khái niệm “cơ chế, chính sách đặc thù”
ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) đề nghị, tại Điều 3 dự thảo Luật cân nhắc bổ sung thêm giải thích từ ngữ đối với “Cơ chế, chính sách đặc thù” để bảo đảm thống nhất cách hiểu và thuận tiện trong xác định quy trình tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách này tại địa phương.
![ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Trần Thu to0104.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667bcf03603477eb71f763f0b6a091434d212b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/to0104.jpg)
Đại biểu phân tích, hiện nay có hai quan điểm trong việc xác định cơ chế, chính sách đặc thù. Một là, ngoài các cơ chế, chính sách, mức hỗ trợ ở Trung ương đã có, nếu địa phương có điều kiện có thể xây dựng thêm cơ chế, chính sách trong nhóm cơ chế, chính sách đã có; hỗ trợ thêm phần kinh phí từ ngân sách địa phương. Hai là, cơ chế, chính sách đặc thù được hiểu là chưa có bất kỳ cơ chế, chính sách nào đang thực hiện từ Trung ương. Đồng thời, bổ sung quy định này sẽ bảo đảm thống nhất trong thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67.
Đối với việc bỏ văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã (Điều 4 dự thảo Luật), đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì chính quyền địa phương (HĐND và UBND) tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay cũng như dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo hướng ngoài việc tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp còn có nhiệm vụ quyết định các vấn đề của địa phương theo quy định của luật (ví dụ Luật Ngân sách nhà nước quy định HĐND cấp xã quyết định ngân sách của cấp xã).
Về mặt tổ chức, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn tổ chức UBND ở cấp xã, chỉ không tổ chức HĐND tại một số địa bàn (phường hoặc xã ở thành phố trực thuộc Trung ương); quy định chính quyền địa phương được ban hành chính sách, nhưng chưa rõ chính quyền địa phương ban hành văn bản với hình thức nào để quyết định chính sách.
Bên cạnh đó, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những công cụ để quản lý nhà nước trên địa bàn thì cần thiết duy trì công cụ đủ mạnh cho cấp xã chủ động thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ vấn đề này.
![Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu. Ảnh: Trần Thu z6310747062696-ef67e1604a3d1c3994303d6bf42556e8.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667b762bc7d78dc66f1ee6e1e820d0a4ee48b8ebe9d202d1dbd29b8840a0c4900884168c6f4ecb5b8661be501572ca7971c8f90147b2a7e5ac14cb1c6e30ca3b4a9f/z6310747062696-ef67e1604a3d1c3994303d6bf42556e8.jpg)
Còn theo ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), khoản 3 Điều 72 dự thảo Luật về điều khoản chuyển tiếp, quy định: “…nghị quyết của HĐND quận; nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp xã được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực thực hiện đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc bị bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, tại Khoản 1, 2 Điều 8 của dự thảo Luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền”; “văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ bằng văn bản của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền”.
Như vậy, đối với nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp xã được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực, nếu thay thế các văn bản quy phạm pháp luật trước đây mà do mình ban hành thì phải do HĐND, UBND ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 4 của dự thảo Luật không có nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp xã. Do vậy, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất các nội dung trong dự thảo Luật.