UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, vận động người dân tuyệt đối không thu, hái các loại nấm mọc tự nhiên trên nương rẫy, rừng về làm thực phẩm; cung cấp đầy đủ các loại tranh, ảnh tuyên truyền về các loại nấm độc đến các thôn làng vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị người bệnh và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc do nấm độc gây ra; chỉ đạo các đơn vị có giường bệnh tổ chức tập huấn về kỹ thuật xử lý cấp cứu người bệnh ngộ độc do nấm độc cho nhân viên y tế…
UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết cách phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm, đặc biệt là cách phòng chống độc do nấm độc; phối hợp với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, người đứng đầu dòng họ, gia đình và các đoàn thể trong thôn, làng đẩy mạnh công tác truyền thông. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân sau khi ăn nấm nếu xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn, nôn phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị...
Theo <i>TTXVN</i>