Xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng trong các gia đình không hoàn thiện
Tình trạng xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Đây cũng là vấn đề không ít lần nóng lên ở diễn diễn đàn Quốc hội, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong báo cáo của Ban Dân nguyện được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên họp thứ 37 cho thấy, cử tri và Nhân dân lo lắng thời gian qua tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương như: Gia Lai, Hưng Yên, Phú Thọ và đặc biệt là vụ bạo hành trẻ em đang gây chú ý của dư luận tại cơ sở Mái ấm Hoa hồng (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh).
Câu chuyện bạo hành xảy ra ở Mái ấm Hoa hồng cho thấy một thực trạng đáng buồn là những cơ sở, những địa chỉ tưởng rằng sẽ là “mái ấm” cho những trẻ em bất hạnh, kém may mắn nhưng có nơi lại để lại cho các em nỗi đau ám ảnh sau này vì những hành vi bạo lực của những người chăm nuôi. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác quản lý đối với những cơ sở “mái ấm” chăm nuôi trẻ, nếu như công tác quản lý các cơ sở này bị buông lỏng.
Đề cập đến vấn đề bạo hành trẻ em, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024 trên toàn quốc đã điều tra và khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại và bạo hành trẻ em, đồng thời cũng xử lý hành chính 48 vụ 125 đối tượng trong đó nhóm hành vi bạo hành trẻ em chiếm 12,4% còn lại là xâm hại trẻ em.
Trong các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em nêu trên có một thực trạng đáng báo động theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, có đến 60% các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em do chính người thân, người quen ở trong gia đình hoặc có các mối quan hệ mâu thuẫn cá nhân gây ra, có 188 vụ dùng mạng xã hội để làm quen với trẻ em, kết bạn với trẻ em để xâm hại trẻ em.
“Gần đây, các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra có xu hướng gia tăng ở trong các gia đình không hoàn thiện như bố, mẹ ly hôn, ly thân, tái hôn hoặc là trong các gia đình có thời gian dài bố, mẹ không chăm sóc trẻ em, gửi về người thân, người quen ở các nơi để chăm sóc các em thì xảy ra tình trạng bạo hành và xâm hại. Các địa phương có số vụ xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra nhiều như: Hà Nội, Thái Bình, Hòa Bình, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thông tin thêm.
Xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em
Khó có thể nói hết được những hậu quả mà trẻ em bị bạo hành, xâm hại phải gánh chịu, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục. Trẻ em là nạn nhân cả các vụ bạo hành hay bị xâm hại tình dục có nguy cơ bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần. Đó có thể là những vết thương lòng kéo dài suốt cả cuộc đời sau này khi trẻ lớn lên. Sự tự ti, lo âu, và thậm chí có những trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi tính bạo lực nếu như không được giáo dục một cách đúng hướng.
Trước tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em, kịp thời đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em.

Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, bảo đảm theo đúng quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các quy định khác của pháp luật về chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Hiện số cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đã được cấp phép trên toàn quốc là 425 cơ sở. Tuy nhiên số liệu này đang còn rất ít so với thực tế, các cơ sở tự phát, các cơ sở từ thiện, các cơ sở tôn giáo, thờ tự nhận nuôi dưỡng trẻ em theo dạng từ thiện cũng đang rất nhiều, chưa được cấp phép và số lượng rất lớn. Các địa phương cũng chưa nắm được và chưa có cơ chế kiểm soát, kiểm tra đối với các cơ sở này. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì với các bộ, ngành và địa phương để tổng điều tra rà soát trên toàn quốc về các cơ sở này để nắm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa các hành vi bạo hành và xâm hại trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng
Quan tâm đến vấn đề bạo hành trẻ em xảy ra thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho cho rằng, qua vụ bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng và một số địa phương khác cho thấy tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Quốc hội Khóa XIV đã có giám sát tối cao và có nghị quyết rất chi tiết, nhưng cho đến nay vẫn xảy ra những vụ bạo hành trẻ em. Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục giám sát lại nghị quyết của Quốc hội về giám sát tình hình xâm hại trẻ em để báo cáo với Quốc hội.
Để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, hơn bao giờ hết cần trang bị cho trẻ những kiến thức để phòng ngừa. Muốn vậy, gia đình, người thân, bố mẹ và trường học cần trang bị cho các em hiểu biết về ranh giới cá nhân và vùng nhạy cảm trên cơ thể. Đó là nơi không ai được phép đụng chạm đến. Cùng với đó, cũng dạy trẻ cách đề phòng, cảnh giác với những người có hành vi thiếu đứng đắn, biểu hiện sàm sỡ, thậm chí cả với người thân quen trong gia đình. Khi có hành vi đó, trẻ cần lên tiếng phản đối và kịp thời nói cho bố mẹ, cho người mà trẻ tin cậy nhất.
Bên cạnh đó, về phía những người trong gia đình cần quan tâm con nhiều hơn, lắng nghe những tâm tư, chia sẻ nhiều hơn để có những biện pháp bảo vệ con trẻ một cách kịp thời trước sự xâm hại, trong đó có xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cần lên tiếng, tố giác hành vi xâm hại trẻ đến cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ trẻ em cũng cần tích cực, chủ động vào cuộc để xử lý kịp thời những vụ bạo hành trẻ để giúp trẻ sớm vượt qua được những sang chấn tâm lý không đáng có.