Đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng
Được thành lập từ một cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, Công ty TNHH Mây tre đan xuất nhập khẩu Hiền Lương đã làm ra trên 3.500 mẫu sản phẩm từ những nguyên liệu tự nhiên như cây guột tế, mây, tre, bẹ ngô, cói, bèo tây… Các sản phẩm chủ yếu là bát đựng hoa quả, lẵng hoa, cốc, lọ, con giống, thùng đựng, chao đèn, chậu, làn, đồ dùng trong nhà…

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty cho biết, chính nhờ việc áp dụng thương mại điện tử đã góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Cụ thể, công ty đã lập một website để giới thiệu về sản phẩm bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, lập đội tư vấn trực tuyến để kịp thời hỗ trợ khách hàng. Nhờ đó, đối tác biết đến sản phẩm của công ty nhiều hơn. Hiện, công ty đã xuất khẩu sang nhiều nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, EU, Mỹ… Trung bình mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 100.000 sản phẩm, doanh thu khoảng 17 - 18 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, doanh thu sụt giảm mạnh thì công ty vẫn ký được hợp đồng với khách hàng Mỹ, Nga, doanh thu xuất khẩu cả năm 2020 đạt trên 10 tỷ đồng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tương tự, Công ty TNHH Tây Cát (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) là một trong những doanh nghiệp ở Đồng Tháp năng động, sớm bắt nhịp với thương mại điện tử. Công ty cũng lập website để giới thiệu các sản phẩm tới khách hàng. Cùng với đó, công ty đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử trong nước, thậm chí lên sàn thương mại quốc tế (Alibaba). Nhờ đó, việc kinh doanh ngày càng thuận lợi khi đối tượng khách hàng mở rộng.
Bà Nguyễn Thị Các Thủy, chủ doanh nghiệp Tây Cát cho biết, mặc dù quan tâm đưa sản phẩm lên các nền tảng số từ nhiều năm trước nhưng hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả cao nhất trong năm 2021. Thời điểm đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có Đồng Tháp, song hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được bảo đảm, nhờ đó vẫn có doanh thu, lợi nhuận, giúp doanh nghiệp trụ vững.
Thực tế cho thấy, ứng dụng thương mại điện tử đã và đang là giải pháp được nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn lựa chọn để mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận. Thời gian qua, ngành công thương nói chung và các trung tâm khuyến công nói riêng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động, như hỗ trợ xây dựng trang website, kết nối để đưa sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước…
Chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu
Tuy vậy, hoạt động thương mại điện tử vẫn chưa thực sự phổ biến với các cơ sở này, nhất là cơ sở ở trong các làng nghề. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có yếu tố về nhận thức, hiểu biết của nhiều chủ cơ sở đối với thương mại điện tử vẫn còn hạn chế. Về hạ tầng, dịch vụ trong vận chuyển, thanh toán chưa thực sự thuận tiện với người dân ở các vùng nông thôn…
Thương mại điện tử sẽ giúp cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp dễ dàng quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, tăng cơ hội mở rộng thị trường. Để khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh triển khai ứng dụng các phần mềm trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, trước tiên cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, trong đó thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.
Về phía các cơ sở công nghiệp nông thôn, cần nâng cao nhận thức và trau dồi trình độ tin học, ngoại ngữ của đội ngũ quản trị và nhân viên thông qua việc thường xuyên đào tạo, cho nhân viên tham dự các khóa học. Tin học hóa hệ thống quản lý thông tin doanh nghiệp cũng là giải pháp quan trọng đối với sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tạo tiền đề để các doanh nghiệp tham gia vững chắc vào hoạt động thương mại điện tử. Các cơ sở cũng cần xây dựng chiến lược kinh doanh trên mạng và phải có ít nhất một cán bộ quản lý thông tin đủ năng lực, trình độ làm nhiệm vụ quản lý và điều hành hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Song song đó, cần xây dựng kế hoạch nguồn lực phục vụ cho kinh doanh trên mạng như: đội ngũ quản trị mạng, đội ngũ bán hàng và tiếp thị trên mạng, nhà cung ứng, quan hệ đối tác…
Mặt khác, các cơ sở công nghiệp nông thôn cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm - tiêu chí hàng đầu quyết định đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng như khả năng giữ chân khách hàng; đầu tư hợp lý cho xây dựng cửa hàng trực tuyến, cải thiện chất lượng hình ảnh, thông tin trên các cửa hàng này; đẩy mạnh tiếp thị thông qua kênh truyền thông xã hội; chú trọng vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Khi làm đồng thời các giải pháp đó sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng hoạt động thương mại điện tử ở các cơ sở công nghiệp nông thôn.