Tiềm năng lớn, lợi nhuận cũng lớn
Tính đến năm 2010, số người dùng internet tại Việt Nam đã lên tới 27 triệu người. Một Công ty nghiên cứu thị trường của Anh nhận định: số người dùng internet tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, tính đến nay cả nước có gần 50 triệu thuê bao điện thoại di động. Trong đó, số lượng điện thoại di động cao cấp có khả năng nghe nhạc ngày càng phổ biến.
Đây là cơ hội, môi trường tốt cho thị trường âm nhạc số lên ngôi. Thực tế, bản thân nhạc số đã mang nhiều ưu điểm nổi trội: dễ tìm kiếm, lưu trữ số lượng lớn, nghe nhạc mọi nơi mọi lúc, khả năng phát tán rộng và nhanh... Nhiều đối tượng có thể hưởng lợi từ nhạc số: người nghe thưởng thức trực tiếp; ca sỹ, nhạc sỹ có kênh quảng bá hiệu quả (không ít ca sỹ, nhạc sỹ đã lựa chọn internet để quảng bá sự nghiệp); các hãng băng đĩa áp dụng được phương thức “nghe thử” đối với khách hàng...
Tận dụng triệt để thị trường này, các công ty, dịch vụ cung cấp âm nhạc qua internet mở ra như nấm, với đủ chiêu thức mới, giúp cho người sử dụng có thể thưởng thức rất tiện dụng qua chiếc máy tính, điện thoại có kết nối mạng... Cứ 100 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới thì có 60 giấy chứng nhận có ngành nghề kinh doanh liên quan đến kỹ thuật số. Doanh thu cao và lợi nhuận mà các nhà cung cấp nhạc số kiếm được lên đến con số khổng lồ. Cách đây vài năm, một công ty kinh doanh trong lĩnh vực này hàng tháng thu nhập trung bình đã lên tới trên dưới chục ngàn USD.
Được đồng nào biết đồng đó
Lợi nhuận thu được từ kinh doanh nhạc trên mạng, điện thoại, các dịch vụ kết nối... chỉ mang lại sự sung túc cho các nhà kinh doanh, còn cha đẻ của những đứa con tinh thần ấy lại rơi vào cảnh được đồng nào biết đồng đó. Một tin nhắn để tải bài hát có thể lên tới 3.000 đồng, với số lượng người sử dụng internet, điện thoại di động như hiện nay, một bài hát có thể đem lại vài trăm triệu/tháng cho nhà kinh doanh là chuyện thường tình. Thế nhưng tiền bản quyền cho tác giả lại rất ít ỏi. Đã có những phép tính cho thấy, một tác giả có thể chỉ thu được khoảng vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng mỗi tháng cho một bài hát được đăng tải trên internet.
Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đã có nhiều trang web làm việc nghiêm túc với Trung tâm về vấn đề bản quyền tác giả. Tuy nhiên, đến nay, những đơn vị thực hiện nghiêm túc là rất ít so với số lượng vi phạm. Có thể nói, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên mạng vẫn ở mức báo động.
Sự mở rộng, phát triển nhanh của công nghệ thông tin khiến cho việc kiểm soát các tác phẩm trên mạng đối với tác giả cũng trở nên khó khăn hơn. Về vấn đề này, nhạc sỹ Huy Tuấn cũng cho rằng: chúng ta đang có rất nhiều trang web sử dụng các bài hát để kinh doanh nhưng các quy định về bản quyền và các cách thu phí không theo kịp với tốc độ phát triển của internet... Do đó khó trông chờ vào tinh thần “tự giác” của các nhà kinh doanh. Còn theo nhạc sỹ Đức Trí, để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cần có đơn vị hoạt động độc lập theo dõi sát việc sử dụng các tác phẩm của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này.