Trong một hội diễn, người khua luống thường đứng chia đều hai bên thành loóng, cầm những chiếc chày vừa giã vừa khua vào thành loóng, tạo thành những nhịp đều vang ngân. Người Thái ở Thường Xuân, Thanh Hóa gọi khua luống là Tum loóng hoặc Tum loong. Người Thái Nghệ An gọi là Tung loòng.

Cũng từ giã gạo mà nên
Con gái Thái đã phải tập việc gùi rau, gùi cỏ, gùi ống nước, cầm chày giã gạo từ thuở lên tám lên mười. Vì vậy mà ở lán cối giã gạo của từng nhà đều có những chiếc chày với kích cỡ khác nhau. Chày út cho trẻ nhỏ, chày lớn cho người lớn, còn loại chày lớn nhất dùng cho những người khỏe nhất nhà, thường là đàn ông, để họ giúp phụ nữ giã gạo. Cái loóng hình máng dài là nơi giã tách hạt lúa ra khỏi bông lúa. Ở đầu loóng có “hu chốc” là cái cối để giã hạt lúa thành gạo. Người ta chọn những cây gỗ cứng gõ vào nghe kêu vang trên rừng để làm loóng. Vì vậy mà tiếng chày giã gạo thường vang rất xa, có thể nghe thấy từ vài cây số. Khi có nhiều người cùng đứng giã chung một cối gạo, người ta phải biết cách giữ đều nhịp kẻ trước người sau để tránh cho chày va vào nhau. Chính sự nhịp nhàng này là khởi nguồn của nghệ thuật khua luống. Sự đều đặn, khoan thai, uyển chuyển như múa của các cô gái trong lao động thường ngày đã đi vào nghệ thuật khua luống như thế.
Khua luống ở người Thái Thanh Hóa thường được tổ chức trong những dịp vui như lễ rước dâu, trong đám cưới, hay khi tết đến xuân về. Ở dưới những mái nhà sàn, người Thái đặt những chiếc loóng để trai gái bản đến thăm nhau chúc tết và cùng chia vui. Người ta có thể đứng chung lại và khua luống một cách ngẫu hứng, có sự điều khiển nhịp của một người cầm chày đứng ở đầu loóng, nơi có cái “hu chốc”. Vai trò của người ngồi đầu loóng là gõ chày giữ cho nhịp điệu chung của cuộc chơi được đều đặn thống nhất.
Ở một số địa phương tây nam Nghệ An, khua luống (tung loòng) chỉ diễn ra trong dịp ma chay. Người Thái trắng tây nam Nghệ An rất kỵ gõ loóng mà không cho lúa vào. Họ cho rằng đó là tín hiệu của cảnh tang tóc. Quan niệm này cũng thấy ở những họ tộc người Thái ở Con Cuông, Nghệ An.
Không gian diễn xướng
Trong đám rước dâu của người Thái, tiếng chiêng và tiếng khua luống là tín hiệu của niềm vui, cũng là lời báo hiệu đối với người đi đường và làng bản: sắp có đám rước dâu đi qua. Khi đoàn rước dâu về gần đến nhà trai, người ta sẽ khua luống để chào đón cô dâu và họ nhà gái bằng những nhịp điệu rộn ràng gấp gáp. Cùng với đó là tiếng chiêng đón chờ. Không gian biểu diễn của khua luống thường gắn với những tục lệ rước dâu, cưới xin của người Thái và nó diễn ra ở dưới mái nhà sàn.
Trong dịp tết, vào đêm ba mươi, trai gái thích khua luống gọi là sinh hoạt văn nghệ đón năm mới. Trai gái bản thường tụ tập tại những nhà có đông con gái con trai và có cái loóng đẹp nhất, kêu vang xa nhất, cùng nhau khua luống.
Khua luống còn có một vài điệu dành cho ít người chơi, gồm “Tum xam” có ba người chơi và “Tum xỉ” gồm bốn người. Tất nhiên chưa kể người giữ nhịp. Người này chỉ có vai trò điều khiển cuộc chơi. Người giữ nhịp (Côn ê mié), tạm gọi là người làm cái.
Khua luống thường và “Tum loong tỏ cảy”
Khua luống ở Thanh Hóa có hai dạng, gồm khua luống thường và Tum loong tỏ cảy. Nó chỉ khác khua luống thường một chỗ: trong khi diễn, những chiếc chày vừa gõ vào hai bên thành loóng vừa gõ vào nhau, tuân theo một nhịp điệu cố định. Còn khua luống thường chỉ có chày gõ vào thành loóng mà không chạm vào nhau. Chính vì vậy mà Tum loong tỏ cảy đỡ phần đơn điệu hơn khua luống thường.
Hiện nay, những chiếc chày và cối giã gạo đang dần bị thay thế bởi chiếc máy xát gạo chạy điện hoặc chạy dầu. Những thứ máy móc này giúp phụ nữ vùng cao đỡ vất vả hơn, không phải thức khuya dậy sớm bên cối gạo nữa. Nhưng cùng với đó thì những chiếc loóng cũng dần mất đi. Tất nhiên là người ta, nhất là thế hệ con gái trẻ bây giờ, cũng không còn biết đến những nhịp chày ba, chày tư nữa. Song, có một điều đáng mừng là ở nhiều địa phương của Thanh Hóa và Nghệ An, những chiếc loóng vốn là công cụ lao động nay trở thành một thứ “nhạc cụ” độc đáo.
Theo những cụ cao niên ở Thường Xuân, Thanh Hóa, khua luống là tên gọi của những người sưu tầm văn hóa. Người Thái đen Thường Xuân thì vẫn quen gọi là tum loong, người Thái Mường Lát (thanh Hóa) gọi là quanh loóng. Đấy mới là những cái tên đúng của loại hình nghệ thuật này.
Khua luống ở Thanh Hóa và cả ở Nghệ An đã được trình diễn ở các hội khỏe Phù Đổng như là sự góp mặt của một loại hình văn hóa địa phương. Đấy chỉ mới là những bước đi chập chững ban đầu của khua luống để khẳng định vị thế của mình trên phạm vi rộng hơn.