Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW và định hướng phát triển khoa học và công nghệ (KH - CN) trong lĩnh vực y, dược, CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, để đưa CNSH trở thành ngành mũi nhọn theo định hướng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao xây dựng và đã được Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30.01.2023 với mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, xác định chủ trương của Đảng đối với một trong các lĩnh vực KH - CN đóng góp lớn cho tiềm lực KH - CN quốc gia. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều chương trình KH - CN cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến CNSH. Trong đó, trọng tâm là 3 chương trình KH - CN quốc gia, gồm: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe”; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm”; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”.
Là một trong những địa phương đầu tiên triển khai Nghị quyết 36, Giám đốc Đại học Huế, PGS.TS. Lê Anh Phương cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch trong đó đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng CNSH rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, nhằm thay đổi căn bản trong các ngành sản xuất, đặc biệt các ngành tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp, y dược; đóng góp 5 - 7% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành Trung tâm CNSH quốc gia tại khu vực miền Trung có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các CNSH mới, công nghệ nông nghiệp công nghệ cao; đóng góp 7 - 10% vào GRDP toàn tỉnh.
Việt Nam đã làm chủ một số công nghệ tiên tiến
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 36, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang cho biết, hiện Việt Nam đã làm chủ một số công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu trong lĩnh vực y tế có nhiều thành tựu, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh như: nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vaccine sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; Hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận; Làm chủ được công nghệ ghép tạng với chi phí bằng một nửa nước ngoài; can thiệp tim mạch, ung thư; sinh học phân tử, y học hạt nhân, trị liệu tế bào. “Với các yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, việc phát triển KH-CN ngành y tế, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học là một đòi hỏi tất yếu”, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, nhờ nghiên cứu và ứng dụng CNSH, đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi có tính trạng tốt, năng suất cao được lai tạo thành công. Các chế phẩm sinh học phát triển phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt mang lại hiệu quả năng suất cao. Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm đạt 53,22 tỷ USD.
Đánh giá về hướng phát triển nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong giai đoạn tới, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, GS.TS. Lê Huy Hàm cho rằng, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 36/2023, cần xác định rõ định hướng, đó là phát triển CNSH bám sát thực tiễn, bám sát nhu cầu của sản xuất. Cần phát triển mạnh mẽ CNSH dựa trên các công nghệ đã được làm chủ từ giai đoạn trước. Ứng dụng các công nghệ mới về quang điện tử, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin... nâng cao hiệu quả, giảm giá thành nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm CNSH. Tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới, hiện đại vào ứng dụng để nâng cao hiệu quả của CNSH; hỗ trợ đào tạo cán bộ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH - CN...
Nghị quyết số 36 nêu rõ mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 nền CNSH nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh CNSH; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền CNSH có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH. Doanh nghiệp CNSH tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm CNSH nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.Tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam là quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về CNSH thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. CNSH đóng góp 10 - 15% vào GDP.
______________
Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp: Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH và cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.