Theo đó, nội dung giám sát tập trung về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/QH17/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thiếu phòng học, phòng chức năng
Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chỉ ra một số khó khăn khi đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó việc chưa có tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, 10 khiến xây dựng và tổ chức triển khai giảng dạy còn hạn chế.
Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành là trường thực hành sư phạm, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trường có lợi thế là có đội ngũ giáo viên chất lượng cao, có điều kiện tiếp cận và nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy thường xuyên, liên tục nhờ quá trình đào tạo và tập huấn từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trong năm học 2021 - 2022 và học kỳ I năm học 2022 - 2023, nhà trường đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với học sinh lớp 6, 7, 10. Nhà trường đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp quản lý trong việc tổ chức thực hiện đổi mới chương trình và đọc, chọn, sử dụng sách giáo khoa mới. Chủ động tiếp cận chương trình, xây dựng kế hoạch từng năm học để tổ chức thực hiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên và học sinh...
Tuy nhiên, thực tiễn từ cơ sở cho thấy việc tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng diện tích lớp học để dễ tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Tuy nhiên, không gian của nhà trường rất hạn hẹp, thiếu phòng học, phòng chức năng, sĩ số học sinh/lớp còn đông khi nhu cầu vào học tại trường ngày càng tăng. Cơ sở vật chất đáp ứng việc tổ chức hoạt động học và sinh hoạt chuyên môn của giáo viên cũng khó khăn.
Hạn chế trong xây dựng và tổ chức nội dung giáo dục địa phương
Mặc dù có lợi thế về đội ngũ chất lượng cao, song thực tế giảng dạy chương trình mới tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành còn một số vấn đề. Nội dung giáo dục địa phương chưa có tài liệu cho khối lớp 7, 10 nên việc tự xây dựng và tổ chức triển khai còn hạn chế.
Nhà trường đang triển khai dạy nội dung giáo dục địa phương dựa trên các tài liệu được xây dựng trước đây và nguồn tài liệu do giáo viên tự xây dựng. Song việc đáp ứng yêu cầu cần đạt còn hạn chế và phụ thuộc vào trình độ của giáo viên.
Một số môn học mới như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương, giáo viên hầu hết kiêm nhiệm. Hiện tại, nhà trường vẫn đang sử dụng giáo viên các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học để dạy các chủ đề của môn khoa học tự nhiên, giáo viên chủ nhiệm đảm nhận chủ yếu hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo viên các môn khác nhau đảm nhận các chủ đề của nội dung giáo dục địa phương.
Việc xây dựng tổ hợp các môn học cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu đa dạng của học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, việc chuyển học sinh từ tổ hợp này sang tổ hợp kia rất khó khăn vì học sinh phải học bù các môn học chưa có trong tổ hợp đã học trước đó.
Chương trình chưa tinh giản nhiều so với chương trình cũ nên học sinh đại trà học vẫn vất vả. Lớp 10 học sinh được học theo tổ hợp môn nên khi học sinh chuyển trường, chuyển tổ hợp của khối THPT gặp khó khăn...
Nhà trường kiến nghị cần sớm có tài liệu hướng dẫn giảng dạy nội dung giáo dục địa phương phù hợp, đáp ứng tốt mục tiêu môn học; có hướng dẫn và chỉ đạo hiệu quả việc học sinh chuyển trường, chuyển tổ hợp của khối THPT. Đồng thời, được hỗ trợ, đầu tư về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong bối cảnh mới.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận những nỗ lực và thành quả của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành trong việc xây dựng "địa chỉ đỏ" trong bản đồ giáo dục và đào tạo Hà Nội. Thực tế từ cơ sở cho thấy cách nhìn, cách tiếp cận hiệu quả, thể hiện sự tin tưởng vào con đường đổi mới giáo dục, mặc dù trong lộ trình thực hiện mục tiêu đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ý kiến, kiến nghị của nhà trường sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu, từ đó góp tiếng nói, đề xuất thiết thực nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế bằng cơ chế chính sách thật sự phù hợp, căn cơ, thúc đẩy việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đạt kết quả tốt nhất.