
Múa cổ điển Ấn Độ xưa kia chỉ được biểu diễn trong những buổi tế lễ ở các đền đài và do một đội vũ nữ chuyên nghiệp là những “nô lệ của thần linh” đảm nhiệm. Gần hơn một chút, nó chỉ là “sản phẩm” độc quyền của Hoàng gia, cung đình và hàng ngũ quý tộc với những vũ nữ được tuyển chọn một cách kỹ càng. Từ khoảng thập niên 1930 trở lại đây, múa cổ điển mới được trình diễn rộng rãi trên các sân khấu và được dạy trong các trường nghệ thuật.
Để có thể múa được các điệu vũ cổ điển, người nghệ sĩ múa phải có một trình độ kỹ thuật rất cao bởi loại múa này yêu cầu người múa phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy tắc đã được điển chế hoá về các tư thế và động tác. Vì vậy, họ phải có thời gian khổ luyện lâu dài, thường là từ khi còn rất nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Đối với một vũ công tài hoa, những động tác vũ đạo bằng thân hình cũng như nét mặt không chỉ biểu hiện được niềm xúc động (rasa) và tình cảm (bhava) của mình đối với khán giả, mà còn có thể truyền đạt cho người xem toàn bộ cốt chuyện với tất cả những tình tiết éo le, lãng mạn hay bi tráng hào hùng của nó.
Múa cổ điển Ấn Độ được chia làm 7 loại: Bharatnatyam, Kathak, Kathakali, Manipuri, Kuchipudi, Mohinyiattam và Odissi.
Bharatnatyam nổi tiếng ở Tamil Nadu (miền Nam Ấn Độ), là loại hình múa cổ nhất trong các hình thức múa cổ điển Ấn Độ. Mới hồi đầu thế kỷ XX, Bharatnatyam chỉ được trình diễn trong các đền thờ, thì giờ đây nó có mặt ở hầu khắp các lễ hội lớn - nhỏ ở Ấn Độ. Bharatnatyam ra đời dựa theo câu chuyện nàng Natya được đấng tối cao Bharatha tạo ra. Do Natya mang trong mình nhiều đặc điểm và cảm xúc khác nhau, nên tất cả các điệu múa Bharatnatyam đều phải thể hiện được 9 loại cảm xúc: hạnh phúc, buồn rầu, giận dữ, trắc ẩn, phẫn nộ, kinh ngạc, sợ hãi, can đảm và trầm lặng. Múa Bharatnatyam nhất thiết phải là múa đơn (solo) và nó khá giống với thể loại vũ kịch truyền thống. Nếu múa đơn nam thì được gọi là Bhagvat Mela, còn đơn nữ là Kuruvanji.
Kathak là một hình thức múa dân gian của miền Bắc Ấn Độ, bắt nguồn từ các hình thức kịch múa. Từ Kathak phái sinh từ Katha, từ chỉ một loại hình nghệ thuật kể chuyện có mối quan hệ mật thiết với các câu chuyện thần thoại Hindu nổi tiếng Kathakas. Người kể chuyện truyền đạt lại câu chuyện thông qua phương tiện nghệ thuật là hát và múa. Dần dần hình thức này trở thành một loại hình nghệ thuật múa truyền thống. Nét đặc trưng của múa Kathak là các động tác tinh tế kết hợp với những giai điệu ấn tượng. Kỹ thuật này được biểu lộ bằng những động tác di chuyển theo đường thẳng với các nhịp nhấn nhanh của động tác chân và xoay.
Kathakali (katha: kể chuyện, kali: trò chơi), là loại kịch múa của Kerala (vùng đất nhỏ cực Nam Ấn Độ) được sáng tạo từ thế kỷ XV - XVI. Múa nguyên thuỷ mô tả toàn bộ câu chuyện từ khi Ramayana ra đời cho tới lúc chinh phục Lanka. Về diễn xuất dựa theo sổ tay kinh điển múa Natyasastra, do đó Kathakali giữ được sức sống mạnh mẽ của múa dân gian và tính duyên dáng của nghệ thuật cổ điển. Phụ nữ không múa Kathakali, vai trò nữ được nam đảm nhiệm. Với lối hoá trang kì lạ như vẽ mặt nạ, với sự kết hợp nhuần nhuyễn múa, kịch câm, nhào lộn và hát, Kathakali tạo nên một thế giới xa xôi, gắn liền với buổi bình minh của nhân loại. Tình cảm chính được mô tả trong Kathakali là chủ nghĩa anh hùng, thể hiện loại múa hùng mạnh của nam giới.
Manipuri là hình thức múa dân gian vùng Manipur, phản ánh chính cuộc sống của người dân bang này. Ra đời trong thế kỷ XVIII, điệu vũ này mang nặng tính tôn giáo, huyền thoại và thần bí. Trang phục sử dụng trong các vũ điệu Manipuri có màu sắc sáng sủa. âm nhạc mang tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng, đặc biệt phần lớn các giai điệu sử dụng trống và chũm chọe như trong các buổi lễ tế thần.
Kuchipudi là loại hình múa phổ biến ở vùng Andhra Pradesh. Nó giống với thể loại vũ kịch, đặc biệt là mang âm hưởng của Bhagvata Mela, nhưng tiết tấu sôi nổi, động tác linh hoạt. Mỗi nhân vật chính trong các vở múa Kuchipudi đều phải tự giới thiệu mình trên sân khấu bằng một màn hát - múa ngắn gọn. Những màn hát múa này được gọi là dharu và trung bình mỗi vở múa Kuchipudi có gần 80 dharu như thế. Điệu vũ Kuchipudi phổ biến nhất là múa bình - vũ công đội bình nước trên đầu khi múa mà không được đánh đổ nước. Kuchipudi sử dụng nhạc cổ điển Karnatic, chủ yếu là đàn mridanga, violin và kèn clarinet.
Odissi có nguồn gốc từ bang Orissa, là một trong những điệu múa cổ điển hàng đầu của Ấn Độ. Điệu múa biểu cảm với những đường cong của cơ thể, những chuyển động của mắt, các bước nhảy và xoay tròn kèm theo nhiều kiểu di chuyển bàn tay, tạo cho Odissi một nét khác biệt, độc đáo với những ngôn từ rất riêng. Các điệu múa Odissi đều rất sinh động và lạ mắt.
Loại hình múa Mohiniyattam lại khá giống các hình thức múa Bharatanatyam, Kuchipudi và Odissi. Từ mohini có nghĩa là “thiếu nữ đánh cắp trái tim của những người đàn ông”. Người ta tin rằng Thần Vishnu đột lốt “Mohini” để mê hoặc con người. Vì vậy, những người thờ thần Vishnu đã lấy tên Mohiniyattam đặt cho hình thức múa này. Đây là một điệu múa đơn giống như Bharatanatyam, nhưng các động tác múa lại giống Odissi và trang phục hấp dẫn, nhưng trang nghiêm. Hình thức múa đơn này điển hình nhất được thể hiện trong tác phẩm Vyavaharamala sáng tác hồi thế kỷ XVI. Múa Mohiniyattam rất phổ biến ở Kerala.