Dự kỳ họp có: Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.
Về phía lãnh đạo tỉnh Hòa Bình có: Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh; các ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Thảo luận, xem xét các chính sách quan trọng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh cho biết: Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 của HĐND tỉnh diễn ra vào thời điểm các cấp ủy Đảng đang tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, để đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề ra các giải pháp khắc phục, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Trước những khó khăn, thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đòi hỏi HĐND tỉnh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết của cấp ủy để thảo luận xem xét đúng và trúng nhiều chính sách quan trọng, cấp bách, làm rõ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc; nhằm đưa ra những giải pháp tích cực phát huy tối đa tiềm năng, duy trì ổn định kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2023. Theo đó, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; hoạt động giám sát; hoạt động chất vấn; công tác nhân sự.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung như: phê duyệt, điều chỉnh, dừng chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư; thông qua danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh... HĐND tỉnh cũng sẽ quyết nghị nhiều nội dung khác thuộc thẩm quyền liên quan các lĩnh vực: tài chính, ngân sách, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…
Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, những nội dung HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất,Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu qua hệ thống quản lý văn bản, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Qua đó, đạt được một số kết quả như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 0,73%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; dịch vụ tăng 3,59%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.920 tỷ đồng. Trong chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 73/129 xã đạt chuẩn (đạt 56,6%); an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân cơ bản ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hòa Bình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục, tháo gỡ. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, thấp hơn 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái; sản xuất lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giảm 2,05%; thuế sản phẩm giảm 2,68%; tổng thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp so với kế hoạch giao; kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp; công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn gặp vướng mắc, khó khăn; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chưa hiệu quả, thị trường bất động sản bị đình trệ, một số dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng chậm hoặc không triển khai; công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải tại một số địa phương còn hạn chế; tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, dịch vụ khám, chữa bệnh; công tác thu hút, phát triển người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn gặp nhiều khó khăn,…
Để đạt được các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Trong 6 tháng cuối năm các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6.1.2023 của Chính phủ; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 11.1.2023 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2023.
Trong đó, tập trung hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; giải quyết các vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão.
Quyết liệt thực hiện hiệu quả 4 đột phá chiến lược
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm 2023 là thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 quyết liệt thực hiện có hiệu quả 4 đột phá chiến lược gắn với các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, thực hiện phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2023. Đặc biệt cần khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách để sớm đưa nghị quyết, kết luận của cấp ủy vào cuộc sống.
Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện công tác quảng bá, cung cấp thông tin, thu hút đầu tư vào tỉnh. Định kỳ đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư…