Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kỳ họp QH thứ Chín vừa qua và Kỳ họp thứ Mười tới đây, QH tập trung cao độ vào việc hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp. Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Mười, tại Hội nghị này, các đại biểu sẽ xem xét, cho ý kiến vào 5 dự án Luật. Chủ tịch QH đề nghị các ĐBQH chuyên trách tập trung cho ý kiến vào 3 dự án luật là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự. Riêng với dự án Luật Dân sự và dự án Luật Tố tụng dân sự, các đại biểu cần tập trung thảo luận vào một số nội dung trọng tâm. Chủ tịch QH mong muốn các đại biểu chuyên trách dành thời gian, tập trung trí tuệ, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự thảo Luật trước khi trình ra QH tại Kỳ họp thứ Mười sắp tới.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Hội nghị ĐBQH chuyên trách đã thảo luận về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Theo Báo cáo Một số vấn đề lớn về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của UBTVQH do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật, UBTVQH đề nghị các ĐBQH tập trung cho ý kiến vào 7 nội dung lớn bao gồm các quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm; điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.
Tòa án không được từ chối xét xử vì không có điều luật?
Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, UBTVQH cho rằng, việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, về cơ chế áp dụng quy định này thì còn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ cần quy định như dự thảo Bộ luật Dân sự là đủ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định rõ cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và công bố tập quán, quy định về cơ chế áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử để làm cơ sở cho việc áp dụng trong thực tiễn.
Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự và cho rằng, đây là một trong những bước tiến lớn của Bộ luật Dân sự. Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam, thực tiễn hiện nay, trình độ thẩm phán không đồng đều, nhất là thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện. Trong điều kiện nước ta hiện tại, nếu giao cho các thẩm phán quyền quyết định áp dụng các tiền lệ pháp, tập quán pháp là chưa bảo đảm. Bởi đất nước ta rộng, nhiều vùng miền, nhiều đặc điểm khác nhau với đất nước đa dân tộc, có nhiều tiền lệ pháp, tập quán pháp khác nhau nên việc áp dụng sẽ không bảo đảm nguyên tắc pháp chế. Phó trưởng đoàn Lê Nam cho rằng, nên giao cho Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao có những tổng kết, quy định về cơ chế áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử để làm cơ sở thì sẽ bảo đảm được sự công bằng, thống nhất áp dụng trên toàn đất nước. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng đề nghị, quy định rõ cấp nào, ở đâu thừa nhận tập quán để các thẩm phán áp dụng. Đại biểu ví dụ: tập quán đó có lâu đời, nay đã trở thành hương ước, trở thành quy chế hoạt động rõ ràng được thừa nhận ở UBND cấp huyện thì thẩm phán được áp dụng, hoặc giao cho Chính phủ quy định.
Tán thành với quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ quyền dân sự trong dự thảo Bộ luật, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lập luận, chúng ta phải tin vào đội ngũ thẩm phán. Trong tất cả dữ liệu, không thể quy định hết thành luật được, phải cho thẩm phán quyền áp dụng. Về áp dụng tập quán, để thẩm phán thực hiện được quy định này, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm hướng dẫn trên cơ sở các tổng kết tập quán của các địa phương. Về nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, đề nghị Hội đồng thẩm phán nghiên cứu hướng dẫn các nguyên tắc để thẩm phán có cơ sở để áp dụng. Tóm lại, để vận dụng được quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng, cần có hướng dẫn để thẩm phán có hướng để áp dụng trong xét xử.
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Đình Nhã lại cho rằng, quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong dự thảo Bộ luật là bước tiến, nhưng cũng là bước lùi trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Hiến pháp. Nhà nước pháp quyền là nhà nước bảo đảm cho công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, và bảo đảm cho các cơ quan nhà nước làm việc, xử lý vấn đề theo pháp luật. Theo đại biểu, việc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật trước đây nước ta đã áp dụng. Sau khi cách mạng thành công, chúng ta chưa có đầy đủ các điều luật, cho nên Chính phủ cách mạng cho phép các thẩm phán không chỉ vận dụng tương tự pháp luật mà còn cho vận dụng pháp luật với ý thức và lương tâm cách mạng. Chúng ta áp dụng như thế, dần dần lợi bất cập hại, Đảng và Nhà nước đã tập trung xây dựng pháp luật, nhà nước pháp quyền, đồng thời quy định thẩm phán độc lập, xét xử theo pháp luật. Đại biểu đề nghị, nếu coi đây là tiến bộ, giữ quy định này ở trong Bộ luật Dân sự và Luật Tố tụng dân sự thì cần thành lập một tòa án, kiểu như tòa án Hiến pháp, để xử lý các vấn đề ngoài luật. ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cùng quan điểm này, cho rằng quy định như dự thảo Luật không đúng với tinh thần Hiến pháp.
Trước những ý kiến trái chiều về quy định này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, nhân dân đặt ra nhà nước để giải quyết việc của dân. Dân “kêu” sao Nhà nước lại từ chối? Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp đã giao cho tòa án nhiệm nhiệm vụ xét xử, hễ có các tranh chấp dân sự thì tòa án phải xét xử. Và bởi thế, Hiến pháp giao cho tòa án quyền tư pháp, quyết định phải - trái, đúng - sai. Tòa án không thể viện cớ không có điều luật cụ thể quy định để từ chối xét xử. Vấn đề là cần có các quy định như thế nào để tòa án có thể xét xử. Chúng ta nói sống và làm việc theo pháp luật, không thể cứng nhắc là có luật mới xử. Bởi chúng ta đã có đầy đủ luật chưa? Đối với những vụ việc chưa có điều luật cụ thể quy định thì cần phải có quy định này, từ đó để công dân sống và làm việc theo pháp luật.
Có nên quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự?
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, điều 483 dự thảo BLDS trình QH quy định về lãi suất như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.” Tại hội nghị, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ cơ sở khoa học của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản trong khi quy định hiện hành là 150%. Đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị cần có phân tích dự báo xem việc thực hiện quy định này trong vài năm tới như thế nào để quyết định có ấn định mức lãi suất cố định trong luật hay không. ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cân nhắc khi ấn định lãi suất cố định trong cơ chế thị trường.
Không tán thành với cả 2 phương án trong dự thảo Luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch, đặt vấn đề: có cần quy định không? Đại biểu phân tích, lãi suất là cái giá phải trả cho sử dụng đồng vốn. Giá này tùy thuộc 3 yếu tố chính là: cung cầu đồng vốn; giá trị đồng tiền được sử dụng làm vốn (lạm phát, mất giá…); độ rủi ro của đồng vốn. Làm sao pháp luật chế định được 3 yếu tố này. Vì vậy, theo đại biểu, cần phải để cho các bên tự thỏa thuận. Pháp luật điều chỉnh trong trường hợp vay nặng lãi, bị cưỡng bức về mặt tinh thần…
+ Buổi chiều, Hội nghị thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.