Đến Thái Nguyên những ngày này, có thể nhìn ngắm những cánh rừng xanh mát một màu thế chỗ cho những khoảng rừng bụi, đất trống đồi trọc cách đây mươi năm. Những rừng cây keo tai tượng 2 - 3 năm tuổi đua nhau vươn lên. Được triển khai từ đầu năm 2008, đến nay, cả tỉnh đã trồng được 36.400ha rừng keo tai tượng, tập trung ở các huyện Định Hóa với 2.800ha, Đại Từ 2.900ha, Phú Lương 2.500ha… Keo tai tượng được Sở NN và PTNT tỉnh Thái Nguyên đánh giá là loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và đưa vào trồng đại trà trên toàn tỉnh.
![]() | |
Được trồng thử nghiệm trước đó, keo tai tượng tỏ ra vượt trội so với các loại cây rừng khác. Trung bình 1ha diện tích keo tai tượng cho thu hoạch từ 70 - 100m3 gỗ, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha. Quá trình trồng thử nghiệm cũng cho thấy, keo tai tượng có khả năng cải tạo đất rất tốt, đồng thời sinh trưởng, phát triển nhanh, dễ chăm sóc, chu kỳ kinh doanh ngắn (chu kỳ 15 năm, 7 năm sau khi trồng có thể thu hoạch). Sản phẩm gỗ từ keo tai tượng được dùng chủ yếu cho công nghiệp giấy, ván dăm, đồ gỗ xây dựng và đồ gỗ mỹ nghệ. Một ưu điểm nữa rất đáng chú ý, rừng keo tai tượng khó bị cháy hơn các loại rừng cây khác, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Sở NN và PTNT Thái Nguyên Phạm Quang Cánh cho biết, triển khai Quyết định 147, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã triển khai công tác ươm và giao miễn phí cây giống keo tai tượng cho người dân. Bên cạnh đó, bà con trồng rừng còn được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc cũng như hỗ trợ một phần chi phí sản xuất, phân bón. Trung bình, Nhà nước hỗ trợ cho người trồng rừng từ 2- 2,5 triệu đồng/ha. Đến thời điểm hiện tại, chi phí thực tế sau 3 năm trồng keo tai tượng mà người dân bỏ ra khoảng 12 triệu đồng/ha.
Theo Ban quản lý dự án trồng rừng huyện Phú Lương, tỷ lệ cây con sống sau khi trồng của keo tai tượng đạt trên 90%, với mật độ trung bình 1.660 - 2.500 cây/ha. Trong đó, keo tai tượng giống nhập từ Australia tăng trưởng gấp 1,5 lần keo tai tượng giống nội. Hiện tại, bắt đầu vào lịch chăm sóc đợt 2 cho diện tích keo 2 năm và 3 năm tuổi. Lần chăm sóc này sẽ tập chung phát thực bì toàn diện tích, chặt bỏ cây sâu bệnh, làm cỏ và bón phân. Toàn bộ diện tích hơn 2.500ha keo tai tượng trên địa bàn huyện Phú Lương đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tính đến hết tháng 7, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra, cấp chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn hơn 11 triệu cây phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2011. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới được 5.587ha rừng keo tai tượng, đạt kế hoạch đề ra cho cả năm. Trong năm 2012 tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục triển khai trồng mới 4.000 ha trên các diện tích rừng đã khai thác và những diện tích rừng tạp còn lại.
Trong công tác giao khoán bảo vệ rừng theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên trong năm 2011 đã tiến hành giao khoán bảo vệ được 1.920ha. Đặc biệt, tập trung kinh phí hỗ trợ bảo vệ các khu rừng xung yếu như rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, Khu vực rừng đặc dụng thuộc An toàn khu Định Hóa… Hiện tại, diện tích đất rừng trên toàn tỉnh Thái Nguyên là 164.900ha, rừng đặc dụng: 34.902ha, rừng phòng hộ: 48.386ha, rừng sản xuất: 96.500ha.
Nhờ được hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật gieo trồng, nhân dân có rừng trong tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn phá bỏ những cây tạp kém hiệu quả, thay thế bằng keo tai tượng. Phong trào trồng keo tai tượng đã lan rộng từ đất rừng sang cả đất trồng cây lâu năm, đất đồi gò, vườn. Sự hỗ trợ trồng rừng đã giúp nhiều hộ gia đình có đất rừng người dân tộc thiểu số có cơ hội giảm nghèo, làm giàu từ đất rừng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên Phạm Quang Chánh, chi phí khảo sát thiết kế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trong thực tế là 200 nghìn/ha, nhưng theo Thông tư của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ NN và PTNT - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 147 thì chỉ cấp 50 nghìn/ha cho đơn vị thực hiện. Do vậy, số chi phí còn lại, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh phải vận động từ nhiều nguồn khác nhau, điều này dẫn đến khó khăn, chậm trễ khi triển khai khảo sát thiết kế và chuyển giao kỹ thuật.
Hy vọng, các cơ quan nhà nước sẽ sớm tăng mức chi phí này cho phù hợp với thực tế, để bảo đảm công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng rừng, đặc biệt là trồng keo tai tượng được tốt hơn.