Trong không gian đen xám, tù mù dưới ánh sáng của ngọn đèn hình con mắt tóe ra những tia sắc nhọn, trung tâm của bức tranh là hình con ngựa đang nghiêng đầu rú lên những tiếng ghê rợn. Phía bên tay trái là chiếc đầu bò có gương mặt kinh hãi bởi ngay dưới bụng nó là một người mẹ đang ôm đứa con đã chết. Phía bên phải là người đàn bà đang ngửa mặt và dơ hai tay lên trời một cách tuyệt vọng. Sự dẫm đạp hỗn loạn được nén lại ở giữa, khiến người ta dường như không còn nhận ra hình ảnh gì cụ thể. Chỉ có những vệt sáng cắt sự hỗn loạn đó ra thành từng mảnh. Những gương mặt gào thét trong cảm giác đau đớn tột cùng.
![]() Guernica, sơn dầu kích thước 3,49 x 7,76m, vẽ năm 1937 ở Paris, lưu giữ tại Bảo tàng Reina Sofia, Madrid - Tây Ban Nha từ năm 1992. |
Nhìn sâu hơn nữa vào bức tranh, trong góc tối nhất giữa hai biểu tượng của văn hóa Tây Ban Nha là bò và ngựa, mới thấy hình ảnh một con chim bồ câu và nhành ôliu hiện ra. Không còn đẹp đẽ sung mãn như các biểu tượng hòa bình được Picasso vẽ trước đó, nhưng rõ ràng sự biến dạng của chú bồ câu lại có thể xem là ý niệm thương tổn, thông điệp về hòa bình bị xâm hại. Việc ông cố tình chỉ sử dụng lối diễn tả đơn sắc với hai màu đen - trắng cũng khiến cho bức tranh trở nên độc đáo, bởi hình thể đã tự nó cất tiếng, mà không cần đến cảnh tượng máu me. Ở đó tính phi nghĩa của cuộc chiến đã được vạch ra bằng một ngôn ngữ không lời.
Guernica có thể xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của Picasso về đề tài chiến tranh với tuyên ngôn mạnh mẽ chống lại quyền lực chính trị và bạo lực thời bấy giờ. Tác phẩm cũng khiến ông trở thành sứ giả hòa bình để mang thông điệp đến các quốc gia. Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang quyết liệt ở Việt Nam, chính Picasso đã lên diễn đàn Hội nghị trí thức toàn châu Âu để cực lực phản đối chiến tranh. Ông tuyên bố: Tất cả nghệ thuật hiện đại châu Âu đứng về phía Việt Nam! Sự đanh thép của lời nói như thể mang âm hưởng của Guernica và cuộc nội chiến Tây Ban Nha đầu thế kỷ.