<i>Bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam</i> tại Hoàng Sa và Trường Sa qua châu bản triều Nguyễn

Ngày 14.5, châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình dương. Trong số châu bản còn lưu giữ được, nhiều châu bản đề cập đến việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Châu bản Triều Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam Nguồn: vinhphuc.gov.vn
Châu bản Triều Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam
 Nguồn: vinhphuc.gov.vn
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802 - 1945). Các tài liệu này được hình thành trong hoạt động của lý nhà nước dưới triều Nguyễn, bao gồm: văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản của các vua triều Nguyễn ban hành và một số văn kiện ngoại giao. Các chuyên gia Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình dương (MOWCAP) đánh giá cao giá trị nội dung, tính xác thực, độc đáo, duy nhất và tầm ảnh hưởng của Châu bản triều Nguyễn đối với khu vực, quốc tế. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước. Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục...

Ts Nguyễn Nhã, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Các châu bản có tầm quan trọng mang tính nhà nước rõ ràng chứ không phải suy diễn. Đây là bằng chứng chỉ có Việt Nam mới có, rất phù hợp với luật pháp quốc tế cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo Ts Nguyễn Nhã, văn bản năm 1836 là quan trọng nhất. Trong phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), trong tập châu bản Minh Mạng 55, trang 336:

Bộ Công phúc trình: nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần có châu phê: “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền phải đem theo 10 cọc gỗ (cột mốc), mỗi cọc dài 4, 5 thước rộng 5 tấc, dầy 1 tấc, khắc sâu hàng chữ: Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), các viên cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm cột mốc, đánh dấu”. Hãy tuân mệnh.

Lần này, viên chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh [Quảng] Ngãi. Bộ thần xin chuẩn bị gấp số cọc gỗ theo số lượng, gửi tư khẩn cho tỉnh Quảng Ngãi, chuyển ngay [số cọc gỗ ấy] cho viên này.

Vậy xin phúc trình

Qua những châu bản còn lại ta thấy, nhiệm vụ đi công tác của thủy quân với sự hỗ trợ của dân binh, dân phu ở Hoàng Sa là thăm dò, khảo sát (Châu bản Bộ Công tâu ngày 26 tháng giêng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) ghi rõ ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) hoãn việc người đi thăm dò, khảo sát Hoàng Sa. Việc thăm dò, khảo sát cụ thể ra sao thì trong các châu bản khác có nói như: trước hết là ghi nhật ký khảo sát, vẽ bản đồ tương đối có nhiều châu bản đề cập đến trực tiếp hoặc gián tiếp. Có châu bản Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), hiện lưu giữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao có giá trị quan trọng, ghi rõ việc cử Thủy quân với hỗ trợ của dân binh, dân phu đi cắm cột mốc chủ quyền. Bộ Công đã phúc tấu rằng nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ Thần (Bộ Công) trong đó có châu phê như ghi ở trên. Vua Minh Mạng đã viết quy định độ dài, độ rộng, độ dày của cột mốc (Mộc bài) và nội dung viết trên cột mốc và thuyền đến nơi nào lập tức dựng cọc làm mốc (Mỗ thuyền đáo xứ tức thụ mộc vi chí). Chắc chưa có vị hoàng đế nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc lại quan tâm chi li đến việc cắm mốc chủ quyền ở biển đảo như Hoàng đế Minh Mạng của Việt Nam.

Chính sử biên niên Đại Nam Thực Lục Chính Biên, thông sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu, nhất là sách điển chế Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ cũng chép việc đi cắm cột mốc chủ quyền từ năm Bính Thân (1836) trở thành lệ hàng năm. Trước đó, các năm 1833, 1834, 1835 cũng đã có đoàn thủy quân được cử đi công tác tại Hoàng Sa. Ngoài hai nhiệm vụ chính là khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ và cắm mốc cột mốc chủ quyền mà các châu bản đã ghi chép, qua nội dung các tư liệu khác như chính sử, hội điển… người ta còn thấy nhiệm vụ cụ thể như dựng bia, xây dựng miếu thờ, trồng cây cũng như lượm lặt các sản vật như san hô, rùa biển, cả súng đại bác.

Việt Nam không những có bằng chứng văn bản nhà nước như trên mà còn quá nhiều bằng chứng của chính sử như Đại Việt Sử Ký tục biên thời Trịnh Sâm thế kỷ XVIII, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, sách Hội điển như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, sách địa chí như Hoàng Việt Dư Địa Chí thế kỷ XIX hay Đại Nam Nhất thống Chí đầu thế kỷ XX, sách của các sử gia uy tín như Phủ Biên Tạp Lục thế kỷ XVIII của Lê Quý Đôn, Dư địa chí của Phan Huy Chú, Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông ở thế kỷ XIX và vô số tài liệu phương Tây có trình bày chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam từ lâu, trước năm 1909 là năm Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.

Ts Nguyễn Nhã nhấn mạnh: Không có cách nào khác sự thật lịch sử phải được tôn trọng, cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế như Luật Biển 1982 mà bất cứ quốc gia nào đã ký phải được tôn trọng. Sự đấu tranh cho lẽ phải, sự thật lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế không những cho trật tự, hòa bình thế giới, cho tương lai Việt Nam mà còn cho trật tự hòa bình, sự tồn tại của Trái đất, của thế giới và cả tương lai của nhân loại.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.