Cuộc nói chuyện của chúng tôi phải chuyển sang buổi chiều bởi ngay sáng sớm, ông đã gọi điện với tôi... thanh minh: “Chiều gặp nhá, tối qua tôi nhậu với mấy ông Hà Nội đến ba giờ sáng mới về. Giờ cho tôi... ngủ chút đã nghen”. Và rồi tôi đã có một buổi chiều hầu chuyện ông, trước mấy tiếng đồng hồ ông ra sân bay về TP Hồ Chí Minh.

Một quán cà phê gần hồ Thiền Quang, bên cạnh những con phố hẹp và đông người qua lại. Chỗ này ngày xưa ông đã có hàng chục năm trời in dấu chân khi tập kết ra Bắc và công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Hà Nội của buổi chiều hôm ấy vẫn vậy, bộn bề những cảm xúc xưa cũ, có chăng, chỉ có lòng người là đang già đi- đột nhiên Nguyễn Quang Sáng nói với tôi điều ấy. Rồi ông nói về nghề viết. Rằng nó cũng giống như hàng trăm nghìn công việc khác, khi cầm bút mỗi người đều có một lý do nào đấy và bản thân ông cũng vậy. Ngày nhỏ ông nổi tiếng là người học dốt môn Văn và càng chưa bao giờ có ý định trở thành nhà văn. “Hồi còn là học sinh trường kháng chiến, thầy giáo kiểm tra ra đề thi môn văn, tôi chỉ được 0,5/20 điểm. Chỉ duy nhất trong khóa học ấy, thầy giáo ra đề thi với yêu cầu rất thoải mái... học sinh muốn viết gì thì viết. Lần ấy là lần duy nhất tôi được 18/20 điểm”. Đó là câu chuyện, là diễn biến một trận đánh mà ông đã trực tiếp được tham gia. Sinh động và chân thực. Để rồi sau này, đó cũng là tư tưởng xuyên suốt của văn chương Nguyễn Quang Sáng. Nên khi nói về nghề văn, ông đã bảo: “Nếu đứng trước sự bịa đặt và trang giấy trắng thì tôi sẽ chọn trang giấy trắng. Văn chương phải là sự thật. Phải bám chắc và phản ánh chân thực nhất những gì của đời sống. Để rồi qua đó người ta biết yêu và thương hơn quê hương xứ sở”. Một loạt tác phẩm xuyên suốt đời văn như: Con chim vàng, Mùa gió chướng, Chiếc lược ngà, Dòng sông thơ ấu, Người con đi xa... là sự minh chứng quan điểm đó.
Tôi nhớ có lần Nguyễn Quang Sáng bảo từ trước đến nay, ông luôn viết bằng vốn sống của một thời niên thiếu. Điều đó đúng. Và ông giải thích thêm, nếu không có cách mạng, không có cuộc khởi nghĩa quật cường của bà con Tây Nam bộ quê ông thì có lẽ mãi mãi ông cũng chỉ là một người nông dân bình thường. Chính cách mạng đã biến ông thành một người hoàn toàn khác và có thể nói, hầu hết tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng đều gắn với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, gắn với quần chúng và sông nước Nam bộ.

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn mang đậm chất Nam bộ, cả trong văn chương lẫn phong cách sống. Người ta bảo, đến cái cách làm kịch bản phim của ông... cũng chẳng giống ai. Tự vào rạp xem phim rồi nhìn người ta làm và tự học. Để rồi sau đấy là những bộ phim được ông biên kịch khá thành công như: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang. Ông bảo đó là “nét riêng”, là “chất” của ông. Khi đoàn làm phim muốn dựng những tác phẩm văn học của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh, chắc chắn ở đó sẽ có sự khác biệt. Mình không thể chủ quan dù mình có là tác giả của tác phẩm ấy đi chăng nữa. Vậy nên khi đã dựng xong phần biên kịch, Nguyễn Quang Sáng thường... xin đi theo đoàn làm phim. Đi để hỏi anh em và để hiểu anh em. Tự rút ra những kinh nghiệm để làm sao khi bấm máy, các đạo diễn, quay phim có thể dễ làm, dễ quay và hiệu quả nhất.
Tương tự, các nhà văn khác khi sáng tác thường tập trung và cặm cụi viết thì nhà văn của sông nước Nam bộ này lại vừa viết vừa... nghe nhạc. Và ông giải thích rằng, âm nhạc rất tốt cho tư duy; rằng nghe nhạc cũng là một sự... làm việc. Lại nữa, tôi đã nghe rất nhiều đồn thổi, “anh hai” Nguyễn Quang Sáng nổi đình đám bởi tửu lượng và sự ham chơi, chịu chơi. Mang điều này ra hỏi, lão nhà văn cười sảng khoái: “Đó là thời trước, giờ 80 tuổi rồi, uống có yếu đi. Bây giờ gặp nhau, nhìn thấy nhau vẫn khỏe mạnh là đã hạnh phúc. Không dám uống nhiều như trước nhưng thú ham vui thì không bỏ được. Ở Hà Nội có mấy ngày nhưng đêm nào cũng nhậu với mấy “ông Bắc Kỳ” đến 2-3 giờ sáng mới về”...
Nhưng sau tất thảy thì vẫn còn đấy một Nguyễn Quang Sáng nhà văn với tất cả những thao thức về con người và thời cuộc đang được ông thai nghén bằng các tác phẩm chuẩn bị hoàn thành. Nguyễn Quang Sáng đang dự định viết một tập truyện và một tiểu thuyết mới về mảnh đất Tây Nam bộ, nơi ông sinh ra và có một tuổi thơ nhiều kỷ niệm. “Một khi anh còn đi vào cuộc sống, còn lắng nghe những hơi thở của cuộc sống thực thì anh vẫn còn có thể viết văn được...”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng khẳng định.