Tới dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương...
Đền Đồng Cổ được xây dựng năm 1028, thời Lý, thờ thần Trống Đồng linh thiêng tại làng Đông Xã xưa, hiện nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền được xếp hạng Di tích Lịch sử tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31.1.1992.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, điểm đặc biệt của đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, đó là mặc dù đây không phải nơi gốc tích thờ Thần Đồng Cổ (nơi thờ Thần Đồng Cổ ở núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, Thanh Hóa), song chỉ tại đây mới có Hội thề Trung hiếu - lễ hội độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách Việt Nam.
Kể từ năm 1028, khi vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ cùng Lễ hội đèn Quảng Chiếu trở thành các lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất của Kinh thành Thăng Long triều đại nhà Lý.
Trải qua các triều đại trong lịch sử, từ thời Lý đến thời Trần, Lê và thời đại Hồ Chí Minh, lời thề này vẫn được duy trì, tiếp nối và còn nguyên giá trị. Ngày nay, cứ tới mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ thể hiện sự gắn kết cộng đồng, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân làng Đông Xã nói riêng, quận Tây Hồ nói chung. Dù 995 năm đã trôi qua cùng với bao biến thiên, bản sắc văn hóa trong Lễ hội đền Đồng Cổ đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng nơi đây.
Để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này một cách tương xứng, thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học đầu ngành, quận Tây Hồ đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng thời, nhân kỷ niệm 995 năm Lễ hội truyền thống Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, UBND Quận Tây Hồ đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Tổ chức dâng hương và trao đổi kinh nghiệm tại đền Đồng Cổ, làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; tọa đàm "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề đền Đồng Cổ"; chương trình ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho học sinh; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng.
Lễ hội đền Đồng Cổ và kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung Hiếu với màn sử thi được thể hiện qua ngôn ngữ sân khấu của tác giả, tổng đạo diễn Lê Thế Song, sự thể hiện của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam. Điểm nổi bật trong chương trình là màn dep loạn Tam vương của Thái Tử Lý Phật Mã do Thần trống Đồng báo mộng và giúp sức; màn Hội Thề Trung Hiếu để răn dạy quân thần giữ trọn đạo hiếu trung, làm cho quốc thái dân an và gìn giữ kỷ cương đất nước. Đan xen là các bài hát xẩm, chèo có chủ đề tô đậm nét đẹp, độc đáo có một không hai của Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ, sự tri ân Thần Trống Đồng đã phò vua giúp nước.
Đạo diễn Lê Thế Song cho biết đã lựa chọn từ hình thức nghệ thuật đến nội dung ca từ để xâu chuỗi các sự kiện trong một giai đoạn lịch sử đất nước, làm nổi bật nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ, đó là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, tạo nên sự thăng hoa và hết mình của toàn thể cộng đồng vì sự ổn định xã hội, phát triển đất nước.