Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường cho biết, tại Kỳ họp thứ Sáu, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) cùng các văn kiện liên quan. Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội, dự kiến số việc làm mới được tạo ra tăng thêm mỗi năm là từ 17.000 đến 27.000 việc làm mới, song hành với đó là các luồng đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng. Tác động trên sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, dưới tác động của Hiệp định, việc phân hóa tiền lương diễn ra nhiều hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội địa, giữa lao động có trình độ cao và lao động có trình độ thấp. Điều này đặt ra nhiều thách thức, cần điều chỉnh các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề và an sinh xã hội – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nêu rõ.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tiếp nối chủ đề hoàn thiện chính sách và pháp luật về lao động, việc làm, an sinh xã hội, công đoàn..., năm 2018, Viện Nghiên cứu lập pháp và Rosa Luxemburg đẩy mạnh việc nghiên cứu sâu về tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động, việc giải quyết tranh chấp lao động. Qua các nghiên cứu, hội thảo liên quan cho thấy, quan hệ lao động đang còn nhiều bất cập kéo dài, dẫn đến các tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng lao động liên quan đến tiền lương, thời giờ lao động, thời giờ làm thêm, thời gian nghỉ phép, phân chia phúc lợi từ lợi nhuận doanh nghiệp... Phần lớn các tranh chấp trên có nguyên nhân từ việc hợp đồng lao động chưa cụ thể, rõ ràng. Người lao động chưa đủ thông tin, kiến thức, nhận thức hoặc được tư vấn kỹ trước khi ký hợp đồng lao động. Quyền và lợi ích của người lao động không được bảo đảm, chủ lao động dễ dàng chối bỏ các quyền và nghĩa vụ liên quan. “Đây là mấu chốt dẫn đến việc tranh chấp kéo dài, khó phân xử khi đưa ra hoà giải ở cấp trung gian, hoặc tranh tụng ở cấp Tòa án”. Nhấn mạh đòi hỏi từ thực tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn, và một số luật khác liên quan đến quyền con người đã được Hiến định trong Hiến pháp năm 2013.
Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Các đại biểu cho rằng, pháp luật lao động của Việt Nam đã quy định khá rõ về hợp đồng lao động, các trường hợp bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Với quy định pháp luật này, các doanh nghiệp và người lao động đã quan tâm thực hiện giao kết hợp đồng, cũng như thực hiện đúng quy định về thử việc, chấm dứt hợp đồng lao động, chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thời gian qua đã cho thấy một số hạn chế, vướng mắc, nên một số ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 về quy định nội dung của hợp đồng lao động, thử việc, nội dung của công việc tạm thời…