Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, đây là hội thảo thứ tư trong chuỗi các hoạt động tham vấn ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, để Ban soạn thảo, các cơ quan, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, củng cố thêm cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện nội dung và kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật.
Qua các cuộc khảo sát, hội thảo và kết quả tổng hợp nhanh ý kiến tham gia bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức về dự án Luật cho thấy, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật; nhiều ý kiến đánh giá cao và cơ bản nhất trí với nội dung của dự án Luật; đồng thời, tham gia thêm một số ý kiến góp phần tiếp tục hoàn thiện dự luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận với 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Một là, về việc bổ sung nguyên tắc mới trong Luật: “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” và quy định nội dung của nguyên tắc này trong một số điều luật.
Hai là, về quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn; chuyên đề giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Ba là, về quy định hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị.
Bốn là, về quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Năm là, về luật hóa các quy định trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Cho ý kiến về tiêu chí lựa chọn giám sát chuyên đề, có ý kiến đề nghị để tiến hành giám sát đúng mục tiêu, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm cần thiết phải có các tiêu chí để lựa chọn giám sát chuyên đề. Đây là vấn đề bức xúc được ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri quan tâm gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm lựa chọn.
Đối với giám sát của HĐND cấp tỉnh, chủ thể giám sát không trùng với chủ thể giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong khoảng 2 năm tính đến thời điểm lựa chọn; tính pháp lý của các chủ thể giám sát như mức độ cân đối giữa các lĩnh vực; mức độ kịp thời gắn với tình hình thực tế; mức độ phù hợp giữa các lĩnh vực, mức độ hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật bổ sung quá nhiều tiêu chí, trong khi các tiêu chí khá giống nhau; càng nhiều tiêu chí thì càng khó và càng bó. Đơn cử, phải làm rõ thế nào là vấn đề bức xúc? Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông đề nghị, phải linh hoạt hơn trong hoạt động giám sát; chỉ nên dựa vào các tiêu chí quan trọng hoặc dựa vào số lượng các đề nghị của ĐBQH, đề nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để lựa chọn vấn đề giám sát; hay dựa vào ý kiến Nhân dân, vì ý kiến Nhân dân chính là cuộc sống.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là một trong những nhiệm vụ lập pháp rất quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là dự luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung liên quan đến nhiều luật, trong khi đó, mong muốn của các chuyên gia, nhà khoa học là sửa đổi toàn diện, thậm chí có đề xuất nên nghiên cứu tách thành 2 luật, là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của HĐND.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ban soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát cũng như các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: Quy chế tổ chức hoạt động giám sát; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND; hướng dẫn giải trình… Đặc biệt, cần tuân thủ đúng nguyên tắc vấn đề nào đã chín, đã rõ thì luật hóa, tránh tình trạng luật khung, luật ống.
Về tiêu chí lựa chọn giám sát chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, chỉ nên khái quát cơ bản, không cá biệt hóa vấn đề thực tiễn vào luật...