Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội đồng; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học là thành viên của Hội đồng.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1981-KH/ĐĐQH15 từ cuối năm 2023 để triển khai thực hiện Đề án này.
Báo cáo tóm tắt một số nội dung cơ bản của dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đề án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, dự thảo Báo cáo có kết cấu gồm 4 phần. Phần mở đầu nêu khái quát chung về sự cần thiết, căn cứ, mục đích, yêu cầu, phạm vi và quá trình tổ chức xây dựng Đề án. Phần thứ nhất đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật hiện hành. Phần thứ hai đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Phần thứ ba nêu các kiến nghị, đề xuất và phân công trách nhiệm thực hiện Đề án.
Dự thảo Báo cáo được xây dựng đến nay lấy trọng tâm là nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện các nội dung khác có liên quan. Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, đề ra yêu cầu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, tổ chức đảng; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới quy trình lập Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật; phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình này, đặc biệt là vai trò của Chính phủ.
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chuẩn bị dự thảo Báo cáo công phu, kỹ lưỡng, thể hiện được nhiều vấn đề cần đề cập, bổ sung và kiến nghị các giải pháp cụ thể. Các đại biểu nhấn mạnh, việc bảo đảm thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật là rất quan trọng, vì vậy cần tập trung nghiên cứu kỹ hơn về nội dung này. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đưa nội hàm của phòng, chống tham nhũng vào công tác xây dựng pháp luật.
Một số ý kiến cho rằng, cần phân loại văn bản cho phù hợp vì còn liên quan đến thẩm quyền ban hành; định dạng rõ thế nào là văn bản quy phạm pháp luật, thế nào là văn bản quy định hành chính, sau đó cần quy định một quy trình thủ tục phù hợp tương ứng cho mỗi loại hình văn bản ở từng cấp khác nhau. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có tính chuyên môn cao của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến cơ bản đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án và nhất trí với sự cần thiết, cấp bách, quan trọng của Đề án.
Nhấn mạnh đây là Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, song, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong quy trình có nhiều chủ thể phối hợp tham gia, có nhiều bước, nhiều khâu thực hiện. Do đó, những thực trạng và kiến nghị, giải pháp đề ra phải xác định có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào những vấn đề then chốt, bám sát tên của Đề án, trong đó chính là nội hàm “chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, bộ phận biên tập sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo và Đề án trong thời gian tới.