Dưới góc nhìn của một người từng làm quản lý giáo dục đại học, tác giả Thanh Nhân đã có phân tích cụ thể về vấn đề học phí đại học ở Việt Nam hiện nay đang “nóng” trên các diễn đàn.
75% nguồn thu của đại học tập trung cho chi vận hành công việc thường xuyên
Trước khi bàn về học phí đại học, việc cần làm đầu tiên là làm rõ các thành phần chi và thu cơ bản của một cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là đại học).
Chi của một đại học dù trong hay ngoài nước/năm có 3 thành phần chính: chi vận hành, chi phát triển, và phần chi còn lại (thuộc chủ sở hữu).
Chi vận hành chủ yếu có 8 mục, cụ thể:
(a) Chi thường xuyên cho nhân sự. Với đại học, đó là chi lương (lương cứng), phụ cấp/phúc lợi và/hoặc tiền thưởng thi đua, thưởng hoàn thành nhiệm vụ (lương mềm); tiền làm ngoài giờ; thù lao giảng dạy vượt giờ, ra đề, chấm bài, coi thi (nếu có); phụ cấp/thù lao nghiên cứu khoa học; phụ cấp/thù lao cho các công việc không thuộc nhiệm vụ chuyên trách; chi công tác phí và các loại phí liên quan; chi bảo hiểm xã hội/bảo hiểm y tế; chi tiền nghỉ dưỡng và phúc lợi cho các ngày nghỉ lễ… kể cả chi phí thu hút nhân sự giỏi, nhân sự mà đại học đang thiếu (hằng năm).
(b) Chi chokhoa học công nghệ.(c) Chi cho người học (học bổng, chính sách). (d) Tất cả những khoản chi thường xuyên cho hoạt động; gồm điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, văn phòng phẩm, vật tư tiêu hao cho hoạt động (từ thí nghiệm, thực hành, thực tập, thực tế, sản xuất thử…cho đến vệ sinh, chăm sóc cây xanh).
(e)Tất cả những khoản chi thường xuyên để bảo trì trụ sở, văn phòng, cơ sở vật chất, trang thiết bị…nhằm luôn duy trì mọi phương tiện vật chất trong điều kiện phục vụ tốt và ổn định nhất. (f) Chi phí vốn (vốn vay, vốn do chủ sở hữu đầu tư ứng trước).
(g)Chi phí khấu hao hoàn lại tài sản/đầu tư đang sử dụng (để có đủ tích lũy tự trang bị mới trong chu kỳ hoạt động kế tiếp hoặc hoàn trả chủ sở hữu), loại chi phí này được tập trung về một quỹ và không được chia hay sử dụng. (h) Chi trả cho các dịch vụ của nhà nước: tiền thuê đất/năm, thuế doanh nghiệp (nếu có), thuế thu nhập doanh nghiệp (một số nước không thể tính chính xác thì nhà nước khoán tỷ lệ), các loại chi khác phải nộp vào ngân sách...
Chi phát triển thường gồm: (a) Chi đầu tư mới (theo dự án lớn/nhỏ, theo kế hoạch phát triển hằng năm, ngắn hạn, trung hạn được Hội đồng đại học phê duyệt). (b) Chi mở rộng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phòng thí nghiệm,…để đáp ứng nhu cầu dạy-học/nghiên cứu tăng thêm của một giai đoạn nhất định (trong hoặc ngoài dự kiến). (c) Chi phát triển nguồn nhân lực (đào tạo sau đại học những nhân lực thuộc qui hoạch phát triển kế tiếp, bồi dưỡng, củng cố kỹ năng và hiệu quả công việc định kỳ…). (d) Chi phát triển cộng đồng, dự án trọng điểm ngoài kế hoạch chính, nhưng liên quan đến sự phát triển tổng thể của đại học về lâu dài.
Phần chi còn lại thường là: (a) Thu nhập của chủ sở hữu. (b) Tiền công của chủ sở hữu (nếu chủ sở hữu/tập thể chủ sở hữu trực tiếp tham gia quản lý đại học). Tiền công này không nằm trong mục chi thường xuyên cho nhân sự thuộc khoản chi vận hành bởi vì nó không theo định mức hay tiêu chuẩn tính lương chung của đại học; mà theo giá trị tài sản/tài chính tăng thêm của đại học ở năm này so với năm trước và tên tuổi, đẳng cấp; quan hệ xã hội, kinh nghiệm và danh tiếng… của chủ sở hữu được sử dụng cho sự phát triển của đại học đó.
Kinh nghiệm quản lý và khảo sát thực tế các đại học ngoài nước cho thấy phần chi còn lại thường chiếm không quá 12% tổng thu của đại học. Nếu quá mức này, thuế đánh trên phần vượt trội sẽ rất nặng. Chi cho phát triển thường chiếm không quá 13%. Tổng của 2 phần chi sau như vậy trong khoảng 25%.
Có thể nói 75% nguồn thu của đại học tập trung cho chi vận hành công việc thường xuyên.
Với đại học công hay đại học tư phi lợi nhuận của nước ngoài (chẳng hạn của Mỹ), ngoài khoản tiền công của đại diện chủ sở hữu (thường là không đáng kể vì chỉ chi cho một vài nhân sự đặc biệt), thì 25% (của chi phát triển và phần chi còn lại) cộng với khấu hao hoàn lại tài sản đang sử dụng (thường chiếm tối đa 8%/tổng thu) sẽ thành là 33%/tổng thu. Phần này thuộc về sở hữu công cộng hoặc sở hữu Nhà nước.
Phân bổ nguồn thu của một đại học tư ở Việt Nam
Nguồn thu của một đại học đẳng cấp quốc tế nước ngoài gồm 4 phần: thu từ học phí, thu từ khoa học công nghệ, thu từ làm dịch vụ - sản xuất - thương mại, thu từ biếu, tặng. Thu từ học phí chỉ chiếm khoảng 45% đến 70% tổng thu tùy vào từng đại học.
Đại học công của Việt Nam ngoài nguồn thu từ học phí thì một số đại học còn thu từ nguồn ngân sách Nhà nước dưới tên gọi này hay tên gọi khác. Đại học tư Việt Nam chỉ có nguồn học phí (chiếm trên 90% đến 100% tổng thu/năm của tất cả các trường). Có thể nói trừ một vài đại học công còn bao cấp, ở đa số đại học Việt Nam, nói đến nguồn thu tức nói đến học phí.
Dễ thấy rằng chủ sở hữu đại học cần biết cóít nhất2 phần chi: chi vận hành và chi phát triển là 2 phần chi không thuộc về họ. Đây là 2 phần chi cơ bản mà đại học phải hành chi cho chính nó để bảo đảm hoạt động của nó có chất lượng (ít nhất là tương đương với giá trị học phí mà người học đóng cho đại học đó) và ổn định chất lượng này trong dài hạn.
Lưu ý rằng, nếu đại học này thực sự được hình thành bởi “đầu tư từ tiền túi của các ông chủ này”, thì đầu tư ban đầu này của họ “không bao giờ mất” đi, bởi quỹ khấu hao không chia thuộc phần chi vận hành chính là sự bảo đảm cho việc “không mất” này; và hằng năm họ vẫn được hưởng chi phí vốn (trong phần chi vận hành).
Từ đó, thặng dư hợp lý mà chủ đại học tư Việt Nam có thể có (và sẽ chịu thuế) tối đa là 12% trên tổng thu hằng năm. 88% tổng thulà thuộc về đại học, thuộc về người họcvà nó phải được đầu tư đúng và đủ cho đại học để bảo đảm người học có được môi trường học, điều kiện học, thầy cô giáo, phương pháp, các hỗ trợ dạy học, thực hành, thực tập, thực tế, trao đổi quốc tế… đúng chất lượng. Trong số 88% này, giá trị tăng thêm của tài sản/tài chính đại học từ 13% chi cho phát triển, sẽ là tài sản của tập thể đại học, trong đó có phần của các chủ sở hữu.
Nhưng hiện nay các chủ sở hữu đại học tư Việt Nam có thói quen xem 100% học phí thu được hằng năm của đại học là của mình/của tập thể mình, và tùy nghi, thoải mái sử dụng học phí này. Do đó, không có đại học nào sử dụng đến 88% tổng thu cho hoạt động của chính đại học đó. Có những đại học chi chưa tới 45% tổng thu cho hoạt động của đại học mình trong một năm.
Điều đó giải thích vì sao đa số đại học tư đến nay có diện tích mặt bằng thuộc sở hữu, cơ sở vật chất, trang bị, thiết bị và nhất là phòng thí nghiệm… cực kỳ nghèo nàn và lạc hậu; số lượng nhân sự cơ hữu trên giấy thì nhiều nhưng thực tế thiếu rất nhiều bởi nguồn chi cho nhân sự quá nhỏ và không đủ sức thu hút (chưa nói đến chất lượng thực của nhân sự).
Tình trạng sử dụng nguồn thu sai mục đích ở các ngành dịch vụ và thương mại, sản xuất khác có thể dẫn đến truy cứu hình sự. Nhưng vì đất nước ta cung quá thiếu so với cầu học đại học và xã hội vẫn còn sự coi trọng nhất định đối với thầy, cô nên việc chi sai mục đích trong ngành giáo dục của một số chủ đại học tư vẫn chưa được báo động đúng mức, dù nó là nguyên nhân chính của tình trạng đi xuống liên tục về chất lượng giáo dục đại học tư trong hơn 2 thập niên qua.
Khi số tiền học phí được chi không đủ để bảo đảm điều kiện dạy học có chất lượng, không đủ để thu hút thầy cô giỏi và tâm huyết… thì mọi đánh giá, kiểm định và tuyên ngôn về chất lượng giáo dục của đại học đó thực chất chỉ là câu chữ để truyền thông.
Học phí đại học xác định như thế nào?
Thế giới có 2 cách tiếp cận trong xác định học phí một chương trình giáo dục đại học.
Thứ nhất, xác định mức thu từ thực tế chi: Các đại học công và một số đại học tư phi lợi nhuận nước ngoài căn cứ vào các định mức chi (như phần phân tích trên) mà một chương trình đại học của một nhóm người học/lớp phải có, để xác định mức thu nhóm/lớp. Từ đó, tính ra mức cần thu của một người học/năm. Cách này cũng áp dụng cho việc xác định tổng chi của một chương trình/nhóm người học, từ đó, tính ra mức thu/tín chỉ/người học.
Ví dụ đơn giản để hiểu về cách làm này là: (a) Đại học dự kiến tổng số sinh viên đại học sẽ tuyển của một trường (school) trong một năm bất kỳ; (b) Với tổng sinh viên ngày, đại học tính ra các nhu cầu cụ thể (nguồn con người và vật chất…) để thực hiện việc dạy học, nghiên cứu, các hoạt động có liên quan đến đào tạo và khoa học công nghệ trong một năm; (c) Từ (b), đại học tính tổng chi vận hành và tổng chi cho phát triển mà trường nói trên cần có để thực hiện hoạt động giáo dục cho tổng số sinh viên trên.
(d) Sau khi có được tổng số 2 phần chi trên, lấy tổng này chia cho 0,88 (có nơi là 0,85) sẽ ra được tổng thu cần phải có. (e) Lấy tổng này trừ đi phần thu dự kiến từ quỹ biếu, tặng và từ dịch vụ, khoa học công nghệ…thì sẽ còn số phải thu từ học phí của tổng số sinh viên năm đó. (f) Từ tổng thu (e) này, tính ra được học phí phải thu/tín chỉ và/hoặc mức học phí sẽ thu/sinh viên/năm.
Thứ hai, xác định mức thu từ giá trị mà đại học mang lại cho người học: Nhiều đại học trên thế giới chỉ lấy cách làm trên (1) để tham khảo. Họ dựa vào cung cầu thị trường đối với đại học của họ mà đặt ra mức thu linh hoạt hằng năm. Mức thu này có giai đoạn thấp hơn cách tính (1) một ít; nhưng đa phần là từ cao đến rất cao so với cách tính (1).
Những chỉ báo sau đây là cơ sở để các đại học này định ra mức học phí theo cung và cầu: (a) Số lượng người đăng ký vào học so với số người học họ dự định lấy. Khi con số người học đăng ký vào đại học của họ nhiều so với nhu cầu định lấy sẽ dẫn đến khuynh hướng tăng học phí đến ngưỡng đủ cao để lấy vừa đủ số người nhập học cần có. (b) Căn cứ vào thu nhập trung bình/năm mà một sinh viên tốt nghiệp loại trung bình từ đại học của họ mới ra trường có thể dễ dàng tìm được việc với thu nhập này để xác định mức học phí/năm.
Cách này được giải thích là xác định mức thu tương xứng với giá trị mà đại học của họ mang lại cho người học. Cách làm thứ nhất (a) mang tính kinh doanh. Cách làm thứ hai (b) hướng tới công bằng.
Như vậy, học phí/sinh viên/năm được xác định theo dự báo thu nhập trung bình/năm mà người tốt nghiệp loại trung bình từ ngành học đó có thể kiếm được trong những năm đầu tiên ra trường đi làm. Chi phí đầu tư cho mỗi năm học cần nguồn thu từ 1 năm đi làm (trong những năm đầu sau khi ra trường) để hoàn lại.
Có một số hệ quả liên quan: Thứ nhất, người học ra trường từ những đại học danh tiếng thế giới, được xếp hạng cao thì sẽ nhanh chóng kiếm được việc vì có nhiều nơi săn đón, được thoải mái thỏa thuận/thương lượng thu nhập và dễ có thu nhập cao.
Khi đẳng cấp của một đại học qua xếp hạng quốc tế tăng liên tục, người học từ đại học này sẽ dễ dàng tìm được việc làm với thu nhập/năm cao hơn mức trung bình của thị trường trong một thời kỳ đủ dài. Lúc đó, số người đăng ký vào học tại đại học này sẽ tăng liên tục và họ có thể định ra mức học phí đủ cao theo tiền lương/năm mà người học có thể nhận được.
Điều này dẫn đến về phía đại học, việc được thăng hạng liên tục trong bảng xếp hạng đại học thế giới là mục tiêu để đại học có thể chủ động đặt mức học phí như ý. Vì ngày nay, các công ty đa quốc gia, công ty lớn của thế giới đa phần chỉ tìm hiểu đại học qua các bảng xếp hạng đại học thế giới hoặc từ những viên chức đang làm việc tốt của mình nên bảng xếp hạng đại học thế giới là tiêu chí.
Từ đó, đại học các nước đã phát triển đặt mục tiêu chính cho Hiệu trưởng là phải tăng hạng hằng năm trong bảng xếp hạng đại học thế giới; tiền lương/năm, tiền thưởng hay việc có được tái ký hợp đồng hay không phụ thuộc vào việc có làm được mục tiêu này không. Trong một thế giới mà mọi nước đều đã và đang tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, việc theo chuẩn chung của thế giới là điều bắt buộc.
Về phía người học, học trong các đại học đẳng cấp thế giới như đại học TOP 50 của Hoa Kỳ, đại học TOP 100 thế giới là mục tiêu lớn; bởi nó là giấy thông hành để bước vào các công ty đa quốc gia, công ty toàn cầu và trở thành công dân toàn cầu với mức lương khởi điểm như ý. Thậm chí, có mức lương đủ để trả hết nợ học hành (4 năm) chỉ trong vài năm đi làm.
Thứ hai, vì ở những đại học tốt của thế giới, người học tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc có thể có được mức thu nhập/năm từ gấp đôi đến gấp 3 lần so với người tốt nghiệp trung bình cùng ngành và cùng trường. Nên dễ dàng thấy rằng cũng từ đại học đó, sinh viên học càng giỏi, ra trường dễ dàng kiếm việc hơn, thu nhập cao hơn; và thậm chí chỉ cần vài năm đã trả hết nợ vay của Chính phủ để đi học (ở Mỹ, tín dụng cho vay có thời hạn không tính lãi 6 năm: 4 năm học và 2 năm đầu ra trường xin việc, làm việc).
Theo đó, việc xác định mức học phí/năm của đại học được tính theo thu nhập/năm trung bình của thị trường mà một sinh viên tốt nghiệp trung bình có thể kiếm được trong những năm đầu là hợp lý.
Học phí này tỏ ra công bằng với giá trị mà đại học mang lại cho người học, kích thích người học cố gắng; buộc đại học luôn thận trọng, tự đánh giá, tự theo dõi để nhận biết, cảnh báo sớm và điều chỉnh, khắc phục điểm yếu trong chất lượng giáo dục nhằm bảo vệ đẳng cấp khi thấy mức thu nhập trung bình của thị trường đối với sinh viên của mình giảm. Từ đó, gián tiếp bảo vệ được cơ hội công việc, quyền lợi của người học khi họ ra trường. Khi logic này diễn ra, người học và phụ huynh không thắc mắc về học phí, bởi nó hợp lý và minh bạch.
Học phí đại học Việt Nam hiện nay tính như thế nào?
Hiện nay, chưa có bất kỳ đại học nào công khai nguồn thu và các định mức chi của họ; để từ đó thuyết minh căn cứ tính học phí của họ. Có nhiều đại học tư của Việt Nam thu học phí hơn 100 triệu đồng/năm/người học cho những ngành mà người học khi ra trường chỉ tự tạo việc làm hoặc chỉ có công việc với thu nhập khởi điểm 5 triệu/tháng (60 triệu/năm) đến 7 triệu/tháng (84 triệu/năm).
Cá biệt, có đại học tư thu học phí của một ngành X đến hơn 250 triệu/năm trong khi người học ra trường của ngành này có mức lương trung bình chưa đến 120 triệu/năm.
Tại Việt Nam, hiện có một số đại học công lập, sinh viên ra trường loại trung bình đang có thu nhập trung bình/năm cao hơn học phí/năm của họ. Nhưng việc đặt ra mức học phí còn thấp này hoặc xuất phát từ chỗ không có chủ trương; hoặc từ chỗ đã có phần đầu tư từ ngân sách Nhà nước (tài trợ từ tiền thuế chung của toàn dân) vào mặt bằng, trường, cơ sở vật chất và/hoặc tài trợ một phần chi thường xuyên. Nên trần học phí đang bị khống chế thấp là điều không có gì lạ.
Có thể nói rằng các đại học Việt Nam đang tự chủ đặt mức học phí/năm/người học (cả công và tư) và đều dùng quy luật thương mại (cung và cầu) để xác định học phí.
Bài toán công bằng cho người học (giá trị mà đại học mang lại ít nhất phải tương xứng với giá trị mà người học đã đóng góp cho đại học) cho đến nay vẫn là vấn đề không có lời giải; trừ khi hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, nhất là đại học tư, được kiểm toán, giám sát thuế và thanh tra toàn diện các khoản thu và chi, đối tượng và mục đích chi hằng năm… như cuộc giám sát đang thực hiện đối với ngành điện Việt Nam.