Tại các Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bộ phận quan trọng của trật tự, an toàn công cộng, được xem là bộ mặt của xã hội. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và trật tự an toàn giao thông đường bộ nói riêng là yêu cầu và nhiệm vụ cơ bản của mỗi quốc gia, là điều kiện cần thiết để bảo đảm phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành đồng thời điều chỉnh cả 2 lĩnh vực gồm: trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật).
Một số ý kiến nhận định, đây là 2 lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, cần thiết phải có sự khảo cứu một cách toàn diện, đánh giá đúng đắn thực trạng, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới về lĩnh vực xây dựng luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, đề xuất được những giải pháp cụ thể, có luận cứ khoa học, khả thi, thuyết phục vì lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, bảo đảm quyền con người làm cơ sở xây dựng, ban hành một luật riêng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá thực trạng tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam và sự tác động, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng, sức khỏe đối với người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Từ đó chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Nhiều ý kiến nêu thực tế, hoạt động gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến rất phức tạp theo chiều hướng gia tăng, làm nảy sinh nhiều vấn đề tội phạm mới, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đầu tư nước ngoài và an sinh xã hội. Trong khi đó, hệ thống pháp luật giao thông đường bộ bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta; trong đó, việc không phân định rõ cơ quan, tổ chức chủ trì đối với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ dẫn đến tình trạng chồng chéo và chia cắt trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này; hệ thống pháp luật về kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải; về giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa theo kịp tình hình mới và xu hướng phát triển chung của thế giới… Trên cơ sở này, các ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng xây dựng các đạo luật chuyên sâu là phù hợp nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Một số ý kiến cũng lưu ý, nếu ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ riêng thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả.