Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn và Trần Quốc Vượng.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh thành có: nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân...
Cùng dự Hội nghị có: các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, nguyên Ủy viên Ban Bí thư; các nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương, Thành phố Hà Nội và một số địa phương...
Tham dự Hội nghị còn có gần 979 nghìn đại biểu tại 15.345 điểm cầu Trung ương và địa phương, cơ sở.
Đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng ta trong phát triển đất nước
Ngày 22.12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".
Nghị quyết đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng ta trong phát triển đất nước; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong nắm bắt kịp thời các xu hướng toàn cầu về phát triển công nghệ giữa các quốc gia, đồng thời thể hiện khả năng dự báo và thích ứng với bối cảnh tình hình quốc tế trong những năm tới. Với nhiều chủ trương chính sách đột phá. Nghị quyết truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Tổ chức đã trưng bày nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học, công nghệ do các nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước nghiên cứu phát triển, được thương mại hóa ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghệ CMC và của Bộ Công an về kết quả của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06)...
Trước khi bắt đầu Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã tham quan các gian hàng trưng bày về ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia các tập đoàn công nghệ hàng đầu của nước ta.
Với gian hàng của Tập đoàn FPT, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Tập đoàn đầu tư phát triển hệ sinh thái “Made by FPT” với hơn 200 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp giúp các tổ chức ở các quy mô, các lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí.
Tại Hội nghị, Tập đoàn FPT trưng bày hai hệ thống phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Một là hệ thống Tap & Go: Sử dụng Căn cước hoặc Căn cước công dân thay vé tàu. Đây là mô phỏng của hệ thống mà FPT triển khai trên tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Bến Thành đến Suối Tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tại Việt Nam, người dân có thể dùng thẻ Căn cước hoặc Căn cước công dân đã tích hợp với ứng dụng (app) trong điện thoại thông minh để quét trực tiếp trên hệ thống soát vé ra vào điện tử mà không cần phải xếp hàng mua vé cứng. Ngoài ra, hệ thống có các hình thức soát vé khác như quét mã QR trên ứng dụng quét trực tiếp bằng thẻ ngân hàng, các ví điện tử.
Hệ thống này được nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa là nhờ kết quả của Đề án 06, các công nghệ về thanh toán không tiếp xúc, không sử dụng tiền mặt tối ưu nhất trên thế giới. Người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) được cấp thẻ sử dụng miễn phí trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng sẽ được phục vụ thuận tiện vì hệ thống đã ghi nhận và lưu giữ dữ liệu.
Hai là, Tập đoàn FPT giới thiệu hệ thống Dữ liệu lớn liên quan đến lịch sử đơn hàng đã phát sinh giao dịch tại Chuỗi bán lẻ dược phẩm FPT Long Châu và những phân tích thông minh với sự “góp sức” của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hệ thống sẽ giúp “Nhà nước lo, Dân khoẻ”.
Từ 1.1 năm nay, công dân Việt Nam có thể mua thuốc trực tuyến trên Ứng dụng định danh điện tử VneID và ngược lại, có thể dùng VneID đăng nhập mua thuốc trên ứng dụng (App) Long Châu. Với việc liên thông dữ liệu thông tin người mua thuốc, FPT giúp cơ quan quản lý Nhà nước tra cứu thông tin về nhóm 3 bệnh phổ biến nhất và các dược chất liên quan theo từng địa phương, tỉnh thành. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể hoạch định kế hoạch y tế dự phòng, phân bổ các nguồn nguồn lực y tế liên quan, nhất là trong các tình huống thiên tai, thảm họa... Cũng nhờ phân tích dữ liệu lớn, hệ thống chỉ ra cảnh báo nguy cơ dịch bệnh theo từng địa phương mỗi khi có xu hướng tăng đột biến nhóm bệnh trong thời gian ngắn.
Tập đoàn FPT sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết 57 -NQ/TW bằng các cam kết: Khai thác hiệu quả dữ liệu của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, đào tạo nguồn lực số, ngoại giao công nghệ, nghiên cứu phát triển công nghệ lõi…
Tiếp đó, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã tham quan gian hàng của Công ty cổ phần Tập đoàn MK (MK GROUP) với hai sản phẩm, giải pháp công nghệ đáng chú ý.
Thứ nhất là sản phẩm Camera sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Sản phẩm đã được lắp đặt tại TP. Phú Quốc để giám sát an ninh trật tự. Đây là dự án thí điểm giữa UBND tỉnh Kiên Giang với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, trực tiếp triển khai thực hiện. Sản phẩm Camera trí tuệ nhân tạo có thế mạnh về công nghệ lõi, được nghiên cứu và phát triển và sản xuất tại nhà máy tại Việt Nam. Sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, như giúp định danh xác thực danh tính công dân, bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các khu vực cảng hàng không/cảng biển, quản lý giao thông, quản lý lưu trú tại các khách sạn/nhà nghỉ. Một số lợi ích chính từ sản phẩm Camera trí tuệ nhân tạo của tập đoàn MK gồm: góp phần cập nhật và làm giàu dữ liệu dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Sản phẩm thứ hai được giới thiệu tại gian hàng là Thẻ căn cước điện tử với các tiện ích và ứng dụng cho Chính phủ - Doanh nghiệp và Người dân. Bên cạnh cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư đóng vai trò là trung tâm dữ liệu tập trung, là hạ tầng quan trọng của quốc gia phục vụ các nhu cầu khai thác, xác thực dữ liệu cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… thì thẻ căn cước điện tử gắn chip chính là cơ sở dữ liệu phân tán phục vụ các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính… khai thác các hoạt động định danh, xác minh danh tính một cách an toàn, chính xác và thuận tiện.
Có thể nói, đây chính là công cụ định danh và xác minh thuận tiện, chính xác, thay thế các loại giấy tờ tùy thân, cho phép công dân tiếp cận với nhiều dịch vụ tiện ích một cách dễ dàng và an toàn.
Với năng lực làm chủ công nghệ lõi, khả năng “Tự cường sản xuất - Tự chủ công nghệ - Đổi mới sáng tạo”, giải pháp phát hành và ứng dụng thẻ Căn cước điện tử của Việt Nam không chỉ phục vụ trong nước mà còn có thể tuỳ biến để đáp ứng được yêu cầu phát hành thẻ của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này sẽ góp phần đưa những sản phẩm giải pháp công nghệ cao của Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.
Thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ, tự chủ và bền vững trong kỷ nguyên mới
Tham quan gian hàng của Tập đoàn Công nghệ CMC, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương nghe giới thiệu 2 sản phẩm công nghệ chiến lược mà CMC đã và đang đầu tư toàn lực là hệ sinh thái C.OPEN AI và CMC Cloud.
Trong đó, CMC Cloud là nền tảng điện toán đám mây Make-in-Vietnam, được thiết kế và vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Giải pháp này đã tích hợp các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn đáp ứng mọi nhu cầu xử lý dữ liệu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tổ chức lớn. Bên cạnh đó, CMC Cloud cũng giúp doanh nghiệp và Chính phủ giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài, góp phần bảo đảm an ninh dữ liệu quốc gia.
Sản phẩm khác được giới thiệu tại gian hàng là hệ sinh thái C.OPEN AI, một nền tảng trí tuệ nhân tạo Make-in-Vietnam. Hệ sinh thái này tập trung phát triển các công nghệ lõi nhằm giải quyết những bài toán trọng yếu trong quản lý, vận hành, và phát triển kinh tế xã hội. Hiện có 4 công nghệ lõi được ứng dụng trong hệ sinh thái này gồm: Xử lý dữ liệu giọng nói, Xử lý dữ liệu ngôn ngữ tự nhiên, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu thị giác máy tính.
Ngoài ra, gian hàng CMC cũng giới thiệu về sản phẩm Trợ lý ảo CLS của CMC. Sản phẩm đang hỗ trợ hiệu quả trong công tác rà soát mâu thuẫn văn bản luật, thử nghiệm tại Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội.
Với CMC Cloud và C.OPEN AI, CMC không chỉ góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 57 mà còn góp phần giúp Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ, tự chủ và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Tham dự Hội nghị, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giới thiệu Nền tảng VNPT Data Platform, hệ sinh thái VNPT Green, Hệ thống cảnh báo thiên tai và Hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành xây dựng.
Nền tảng VNPT Data Platform là sản phẩm do VNPT phát triển và làm chủ với công nghệ 100% make in Vietnam. Đây là hạ tầng dữ liệu rất quan trọng trong kỷ nguyên về dữ liệu nhằm cung cấp cho các tổ chức một nền tảng toàn diện để quản trị, quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu... nhằm phát huy sức mạnh và giá trị của dữ liệu mang lại. Nền tảng này đã triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.
Hệ sinh thái VNPT Green là nền tảng giúp ảo hóa hàng triệu mảnh vườn/ao/chuồng, nông dân dễ dàng hợp tác liên kết: cùng sản xuất theo một quy trình kỹ thuật, cùng mua đầu vào, cùng bán đầu ra, phát triển kinh tế tập thể mới.
Sản phẩm tiếp theo là hệ thống cảnh báo thiên tai, được phát triển từ việc Việt Nam là nước dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại vô cùng lớn từ biến đổi khí hậu. VNPT đã hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học thuộc một số trường đại học, Tổng cục Khí tượng thủy văn để cứu xây dựng hệ thống này. Hiện hệ thống đang được thử nghiệm tại Lâm Đồng. Với nguồn dữ liệu đầu vào là dữ liệu khí tượng thủy văn, địa chất, địa hình, ảnh viễn thám, sử dụng đất… và mô hình thuật toán + GeoAI, hệ thống đưa ra được các mức độ cảnh báo sớm các loại hình thiên tai: sạt lở, lũ quét, ngập lụt, đánh giá hậu quả sau thiên tai về kinh tế, thiệt hại về nhà cửa, số hộ dân bị ảnh hưởng.
Cuối cùng là Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành xây dựng. Sản phẩm được phát triển nhằm hiện thực hóa các bài toán nghiệp vụ chuyên ngành xây dựng từ trung ương tới địa phương. Hệ thống áp dụng các công nghệ tiến tiến do VNPT làm chủ (như GIS, BIM, 3D, 3D Scanning, AI…) giúp quản lý Quản lý dữ liệu quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị tập trung, hỗ trợ cảnh báo và ra quyết định trong quy hoạch, trong xây dựng… Hiện hệ thống đã triển khai chính thức cho 6 tỉnh thành phố và thử nghiệm trên hơn 10 tỉnh thành trên cả nước.
Trong gian hàng của Tập đoàn Viettel, các sản phẩm cho thấy, hiện nay Viettel cung cấp giải pháp toàn diện cho các Cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương trên cả 3 lĩnh vực lập pháp (Quốc hội và các cơ quan trực thuộc), hành pháp (Chính phủ, các Bộ ngành), tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan hỗ trợ tư pháp).
Dựa trên việc làm chủ công nghệ, các giải pháp của Viettel cung cấp đầy đủ, toàn diện trên từ Hạ tầng kết nối, Hạ tầng Công nghệ đến các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số.
Ở lĩnh vực viễn thông, hiện Viettel đang sở hữu hạ tầng lớn nhất với hạ tầng viễn thông băng rộng, phủ sóng 5G phủ sóng 100% trung tâm hành chính của 63/63 tỉnh; Chip 5G DFE do Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế, có năng lực tính toán 1.000 tỉ phép tính trên giây. Đây là thành phần phức tạp nhất trong khối vô tuyến của trạm 5G, đóng vai trò xử lý các thuật toán, điều khiển toàn bộ hoạt động của khối vô tuyến và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác.
Viettel hiện là nhà cung cấp hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây lớn nhất tại Việt Nam với hơn 40% thị phần, nổi bật với hạ tầng Trung tâm dữ liệu rộng khắp trải dài trên cả 3 miền toàn quốc, với 14 Trung tâm dữ liệu quy mô trên 81 nghìn m2 sàn, bảo đảm kết nối quốc tế với 5 tuyến cáp quang biển và hơn 590 nghìn km cáp quang kết nối toàn quốc và quốc tế.
Về phát triển dữ liệu số, Tập đoàn đã sẵn sàng các nhóm giải pháp hình thành kho dữ liệu và các giải pháp khai thác dữ liệu.
Nhiều nền tảng số trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia được Viettel xây dựng và triển khai đem lại hiệu quả rõ rệt, tiêu biểu như: Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng trợ lý ảo, nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, nền tảng phân tích và khai phá số liệu...
Tại gian hàng của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương giới thiệu các sản phẩm nổi bật, trong đó có phần mềm theo dõi tiến trình Đại hội Đảng bộ các cấp qua ứng dụng VneID, với mục tiêu cung cấp công cụ theo dõi tiến độ và quản lý các hoạt động liên quan đến Đại hội đảng các cấp; giúp cán bộ cơ sở và lãnh đạo đảng tạo các báo cáo tự động; giảm thời gian và công sức xử lý dữ liệu, đồng thời đảm bảo tính chính xác và minh bạch; dễ dàng kiểm soát tiến trình, phát hiện các vấn đề và đưa ra các giải pháp kịp thời để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
Văn phòng Trung ương cũng giới thiệu phần mềm góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, qua đó tạo nền tảng minh bạch và dễ tiếp cận, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện. Bên cạnh đó, phần mềm thể hiện sự công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn kiện quan trọng, giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền.
Công cụ này cũng góp phần tạo kênh tương tác hai chiều giữa Đảng và nhân dân, từ đó nâng cao sự gắn kết và đồng thuận xã hội. Với giao diện đơn giản, trực quan, dễ sử dụng, phù hợp với người dùng, người dân, thông qua phần mềm, có thể gửi ý kiến từ mọi nơi thông qua các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Cùng với đó là việc tích hợp tiếp nhận góp ý của nhân dân trong xây dựng, triển khai chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước qua ứng dụng VneID. Việc này giúp bảo đảm sự công khai, minh bạch, tăng tương tác với người dân, và khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc đánh giá và giám sát quá trình thực thi chính sách.
Tại gian trưng bày của Bộ Công an, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã tham quan, nghe giới thiệu về hành trình chuyển đổi số quốc gia với dấu mốc năm 2020 khi Bộ Công an tiên phong xây dựng Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau hơn một năm triển khai xây dựng dự án, Bộ Công an đã hoàn thành 2 hệ thống, thu thập toàn bộ dữ liệu dân cư (104 triệu dữ liệu) và thực hiện cấp 50 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip điện tử đánh dấu bước trưởng thành của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây chính là nền tảng cơ sở quan trọng nhất tạo lập dữ liệu phục vụ triển khai Đề án 06 và tiền đề đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chiến lược dữ liệu quốc gia trong tình hình với 3 Trụ cột dữ liệu (Dữ liệu con người, dữ liệu tổ chức và dữ liệu về địa điểm) được tạo lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu khác đồng bộ thành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia - Bộ Công an). Trên cơ sở đó tạo lập vòng đời dữ liệu con người trong cả cuộc đời, phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong chuyển đổi số, xây dựng nền tảng quản trị xã hội thông minh dựa trên công nghệ và dữ liệu.
Về các giải pháp công nghệ, ứng dụng mang tính đột phá từ Đề án 06, đó là: Dữ liệu phục vụ hoạt động điều hành của Chính phủ và cây sức khỏe của doanh nghiệp; Dữ liệu được phân tích về sức khỏe phục vụ hoạch định chính sách về y tế, bảo hiểm người dân. Nền tảng Thiện nguyện Quốc gia VNeID chính là một hệ sinh thái số hóa toàn diện, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động thiện nguyện một cách hiệu quả và minh bạch. Đây là giải pháp công nghệ phù hợp cho thời đại số, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội mà Chính phủ đề ra.
Ngoài ra còn có các nền tảng về đấu giá cho phép các tổ chức đấu giá tài sản trên nền tảng ứng dụng VNeID bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; Nền tảng điều phối dữ liệu về y tế cho phép liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, tái sử dụng kết quả xét nghiệm, chụp, chỉ số về sức khỏe, liên thông giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại…; các nền tảng như đào tạo trực tuyến, Chấm điểm tín dụng dữ liệu dân cư, phần mềm thông báo lưu trú…
Với những nền tảng công nghệ gắn với dữ liệu và các máy móc, thiết bị đã tạo thành phương thức sản xuất số cho ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước hình thành nền công nghiệp dữ liệu góp phần xây dựng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo chương trình Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quán triệt nội dung, tinh thần chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu về chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị đặc biệt quan trọng này...