Sáng 8.4 tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Pháp luật tố tụng dân sự trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Hội thảo được tổ chức với mục đích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật tốt tụng dân sự Việt Nam, đánh giá mức độ đáp ứng của pháp luật tốt tụng dân sự Việt Nam trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học, cácn bộ hoạt động thực tiễn; chỉ ra những bất cập, hạn chế và nguyên nhân; kiến nghị các giải pháp cụ thể , đồng bộ, khả thi.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề cập tác động, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lên hệ thống pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cùng những nhiệm vụ đặt ra cho tư pháp dân sự trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống pháp luật cần thay đổi cách tiếp cận, thay đổi và hình thành tư duy mới cả về pháp luật nội dung lẫn phấp luật hình thức để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Toà án nhân dân; giải quyết kịp thời, đúng luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu ứng dụng mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây trong tố tụng dân sự; cho phép các Toà án tiến hành các buổi làm việc, phiên họp, phiên toà trực tuyến giữa thẩm phảm, thư ký toà án, hội đồng xét xử với các đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong pháp luật tố tụng để có thể được thực hiện một số hoạt động tốt tung trên không gian mạng. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định mới để có thể thực hiện một số hoạt động, một số quy trình, thủ tục trên không gian mạng, hướng đến các trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được tiến hành hoàn toàn trên không gian mạng. Trong đó, cần lưu ý: Từng bước mỏ rộng các trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được phép tiến hành trên khôgn gian mạng; Không bắt buộc phải giao, nộp dưới hình thức “bản cứng” đơn từ, tài liệu, chứng cứ một cách không cần thiết; Bổ sung một số quy định để có thể thực hiện một số thủ tục tố tụng, phiên họp, phiên toàn trực tuyến.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, TS Phạm Quý Ty, trong lĩnh vực pháp luật, cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đưa tới sự thay đổi sấu sắc trong tư duy, nội dung, chính sách pháp luật, cách thức xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, giải quyết tranh chấp. Trong hoạt động của Toà án, xu hướng đơn giản hoá thủ tục tốt tụng và ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động của Toà án đang được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiên.
Để khai thác thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính không thay đổi, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn kiến nghị pháp luật tố tụng cần có sự thay đổi theo hướng thành lập các Toà án trực tuyến (Toà án internet). Toà án nhân dân tối cao cần chuẩn bị cơ sở pháp lý, thủu tục tố tụng, cơ sở vật chất để trình cơ quan có thẩm quyền thành lập Toàn án internet giải quyết các vụ việc dân sự và hành chính qua internet.
Hội thảo “Pháp luật tố tụng dân sự trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là bước tiếp theo của quá trình thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội "Chính sách pháp luật tố tụng dân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam" do Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, cơ quan phối hợp chính là Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.
Kết quả của Hội thảo sẽ được sử dụng trong việc chỉnh lý, bổ sung giáo trình và bài giảng về Luật tố tụng dân sự, giải quyết tranh chấp thương mại, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tiếp cận những kiến thức mới nhất về giải quyết tranh chấp, nâng cao năng lực dạy và học.