Dự Kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Văn Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh; các ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, chủ động, sáng tạo, tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, xã hội.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh cho biết: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng, như: Xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2021; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Bên cạnh đó, xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Khóa XVII, đối với 1 đại biểu; thảo luận, quyết định Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2023.
Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng thảo luận để quyết định các chế độ, chính sách trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và mức trợ cấp đặc thù đối với viên chức và người lao động làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện và sau cai nghiện ma túy. Xem xét, cho ý kiến điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022; việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 nguồn ngân sách địa phương; thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cho phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và một số nghị quyết quan trọng khác;…
Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, những nội dung HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tạo đột phá về hạ tầng giao thông
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 5,13% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt tăng 3,63%; chỉ số sản xuất công nghiệp - xây dựng ước tăng 6,17%; dịch vụ tăng 7,32%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.257,2 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng - an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, với việc mở cửa du lịch trở lại của Chính phủ, Hòa Bình đã nhanh triển khai các hoạt động kích cầu du lịch. Qua đó, gặt hái được thành quả đáng mừng. Tổng khách du lịch đến Hoà Bình trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1,68 triệu lượt khách, tăng 99,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu ước đạt 1.900 tỷ đồng, bằng 79,1% kế hoạch năm.
Đề cập đến các nhiệm vụ, mục tiêu những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Hòa Bình sẽ tập trung thực hiện 18 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện Bộ chỉ số DDCI đưa vào đánh giá chính thức cho năm 2022 và những năm tiếp theo làm cơ sở đánh giá sự nỗ lực của các cơ quan trong cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh.
Mặt khác, Hòa Bình cũng triển khai có hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2022. Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng triển khai chuyển đổi số. Đặc biệt, Hoà Bình sẽ tập trung nguồn lực để tạo đột phá về hạ tầng giao thông. Khi hạ tầng giao thông được đồng bộ, mọi thế mạnh, lợi thế của địa phương sẽ được phát huy…
Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Văn Tuấn khẳng định: Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 13.12.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Để có được những kết quả nêu trên, thời gian vừa qua, HĐND và UBND tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp các hoạt động, nhất là việc tổ chức các Kỳ họp chuyên đề, đến nay cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, kịp thời triển khai các nhiệm vụ thường kỳ và đột xuất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đáp ứng yêu cầu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Biểu dương tinh thần cố gắng, nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn của HĐND tỉnh, các Ban của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn cho biết: HĐND tỉnh đã để lại dấu ấn với nhiều đổi mới, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức 7 kỳ họp, ban hành 132 nghị quyết (năm 2021 ban hành 81 Nghị quyết); tổ chức được 20 cuộc giám sát; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên. Các đại biểu HĐND đã nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân; bên cạnh đó đã tổ chức thành công Hội nghị giao ban Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc.
“Yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và thực tiễn đặt ra đối với HĐND các cấp và HĐND tỉnh nói riêng là rất nặng nề, đề nghị HĐND rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành, đánh giá lại chất lượng các cuộc giám sát đã thực hiện để đổi mới, nâng cao chất lượng, nhằm tháo gỡ bằng được các điểm nghẽn hiện nay, đó là: Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp còn nhiều bất cập; tiến độ thực hiện một số dự án, chương trình còn chậm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư còn hạn chế. Công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm; giải phóng măt bằng còn nhiều khó khăn, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây là những nội dung thực tiễn đang đặt ra cần nghiên cứu, thảo luận để có giải pháp khắc phục, thực hiện trong thời gian tới”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, mang tính định hướng chiến lược, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022, cũng như cả giai đoạn 2021-2026, đồng thời cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Do vậy, ngay sau kỳ họp này, đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, đề án đã được HĐND tỉnh ban hành, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 đã đề ra, tạo tiền đề và động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả giai đoạn.