Tạo cơ chế yên tâm giữ rừng và làm giàu từ rừng…
Toàn tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên 459.030 ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 297.861,52 ha, chiếm 64,9%. Diện tích đất có rừng là 237.299,32 ha, trong đó rừng tự nhiên 141.614,03 ha, rừng trồng 95.685,29 ha. Độ che phủ rừng đạt 51,69%. Diện tích rừng tự nhiên là 141.614,03 ha, trong đó diện tích thuộc khu vực II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 97.388, bao gồm cả diện tích rừng đặc dụng giao cho các Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; diện tích ngoài khu vực II, III là 44 226,03 ha.
Thực hiện cơ chế bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2020 đến nay tỉnh đã triển khai đầy đủ các chính sách về hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu đối với đồng bào dân tộc thiếu số thuộc các khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Qua đó, từng bước làm thay đổi nhận thức trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, người dân yên tâm giữ rừng và làm giàu từ rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nguồn tài chính quan trọng và bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng và người làm nghề rừng, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình có 74 xã thuộc khu vực I; 12 xã thuộc khu vực II; 59 xã thuộc khu vực III. Đến nay, đã có 7 xã thuộc khu vực II; 7 xã thuộc khu vực III về đích nông thôn mới. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn 5 xã khu vực II, 52 xã khu vực III phân bổ trên địa bàn 8 huyện, thành phố là Thành phố Hòa Bình; Cao Phong; Đà Bắc; Tân Lạc; Lạc Sơn; Kim Bôi; Yên Thủy; Mai Châu.
Cần chính sách cải thiện sinh kế người làm rừng
Kinh phí thực hiện hỗ trợ chính sách trên địa bàn tỉnh chủ yếu do ngân sách trung ương đảm bảo, phần còn lại do các hộ gia đình, cộng đồng dân cư bỏ kinh phí thực hiện. Với tổng kinh phí phân bổ cho hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ cộng đồng thôn bản vùng đệm giai đoạn 2020-2022 là 61.357 triệu đồng, trong đó năm 2021 là 24,6 tỷ đồng; năm 2022 là 36,7 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ nguồn ngân sách trung ương là 17,7 tỷ đồng, trong đó năm 2020 là 5,7 tỷ đồng; năm 2021 là 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ bảo vệ rừng còn thấp so với công bảo vệ rừng hiện nay, nguồn kinh phí phân bổ hàng năm chưa đảm bảo cho hỗ trợ đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tác động chưa cao đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh do số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 hộ nhận được trong 01 năm chỉ 391.589 đồng/hộ nên vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đốt nương làm rẫy.
Đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng tại một số lưu vực trên địa bàn tỉnh còn rất thấp nên chưa cải thiện được sinh kế của người làm nghề rừng. Định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng rất thấp so với công bảo vệ rừng hiện nay, chưa đảm bảo được nguồn thu nhập từ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng yên tâm bảo vệ rừng. Cơ chế chính sách ban hành chưa thống nhất giữa các bộ ngành trung ương dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khi triển khai thực hiện.
Thời gian tới, cần bố trí thêm nguồn kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, chính sách tín dụng cho hộ vay chăn nuôi, chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, giảm nghèo gắn với bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện lập kế hoạch hàng năm, giao vốn thực hiện khoán bảo vệ rừng, bảo vệ rừng cần xác định rõ khối lượng, đối tượng rừng được khoán bảo vệ rừng từ địa phương cơ sở; nhu cầu về vốn hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng; nhu cầu về trồng rừng; nhu cầu về khoanh nuôi tái sinh tự nhiên có trồng bố sung... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân tích cực bảo vệ rừng; làm tốt việc tuần tra, bám sát địa bàn để bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tận gốc…