![]() |
Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc từ quan niệm thần thánh hóa thiên nhiên của người Việt cổ, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng này gồm nhiều hệ giá trị độc đáo, gắn liền việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên với khát vọng về sức khỏe, tài lộc của con người; thể hiện khả năng tích hợp rất lớn với đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho, cùng tín ngưỡng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, để cuối cùng trở thành một tín ngưỡng đa văn hóa, đa tộc người. Theo Gs Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ mang nhiều ý nghĩa văn hóa, là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, nghi lễ nghiêm trang và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Bản chất tôn giáo của hầu đồng chính là sự nhập hồn nhiều lần của thần linh Tứ phủ vào thân xác ông đồng, bà đồng, nhằm trị bệnh, cầu tài lộc, may mắn. “Đây là vấn đề thuộc về nhu cầu văn hóa đời sống thì rất khó phân biệt đâu là mê tín, đâu là tín ngưỡng. Theo tôi, niềm tin vào tín ngưỡng chính là liều thuốc tinh thần tạo dựng nguồn sống cho con người. Có niềm tin, con người sẽ chịu đựng được mọi tai ương, tật ách. Vì vậy, chỉ nên ngăn chặn tín ngưỡng bị biến tướng thành mê tín dị đoan”.
Tuy nhiên, Gs Ngô Đức Thịnh cho biết, khoảng 70% thanh đồng thiếu hiểu biết và kiến thức chuẩn về tín ngưỡng thờ Mẫu, dẫn đến những biến tướng, lệch chuẩn ở những sinh hoạt liên quan tín ngưỡng này trong đời sống hiện nay, như thanh đồng tự ý thay đổi y phục, cách thức hát chầu văn, đưa những nhạc điệu không phù hợp vào diễn xướng... Bà Trần Thị Đức Hạnh, Thủ nhang Ba Nàng Vọng Từ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, nhiều người lợi dụng lên đồng để kiếm tiền. Chính nhóm những ông đồng, bà đồng không có căn đã lợi dụng niềm tin của con người để thu lợi cho họ. Có lẽ, rất ít người hầu đồng hiểu biết về đạo Mẫu nên mới gây ra sự lệch lạc. Trưởng khoa Di sản Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội Nguyễn Sỹ Toản phân tích: thực tế chúng ta vẫn thực hiện sai về nghi thức, nghi lễ, trang phục. Việc này cần được tuyên truyền, giáo dục cả về chuyên môn và nhận thức về đạo Mẫu. Khi có thông tin, tri thức, mỗi người sẽ tự ý thức được làm thế nào là đúng, từ đó thực hành đúng theo tín ngưỡng. “Tôi cho rằng tín ngưỡng là nhu cầu tự thân nên khó có thể quy định, quan trọng là nâng cao nhận thức cho cả cơ quan quản lý và người thực hành tín ngưỡng”. Gs Tô Ngọc Thanh đồng tình: khi con người được đặt vào một vị trí và môi trường lành mạnh thì sẽ có những ứng xử chuẩn, giúp hạn chế tiêu cực trong nghi lễ hầu đồng, chuẩn hóa lại tục thờ đạo Mẫu.
Ts Lê Thị Chiêng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, phải hiểu gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là tục thờ nữ thần mà yếu tố âm - dương mới nổi trội. Điện thần và thần linh trong tín ngưỡng Mẫu là cách thức thể hiện tư tưởng triết lý âm - dương theo phương pháp trực quan, được chắt lọc kinh nghiệm qua quan sát thiên văn, địa lý và con người của các bậc hiền nhân. Đây là những tri thức căn bản giúp con người sống hài hòa với thiên nhiên, thích nghi với môi trường, tránh được những căn bệnh thời khí, do đó mà an bình. Vì vậy, ý nghĩa của chữ Mẫu phải được hiểu theo nghĩa chuẩn mực, chứ không chỉ là Mẹ. Đây là giá trị đích thực của đạo Mẫu và giá trị này là vĩnh cửu. “Tôn vinh đạo Mẫu là học cổ nhân bảo tồn tinh hoa dân tộc để cùng nhân loại tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống an bình trên trái đất chứ không phải cổ súy cho hầu đồng.