Đổi mới tư duy, tầm nhìn
Hòa Bình nổi tiếng với con sông Đà ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc. Trong những chuyến về thăm tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, làm sao trị thủy được sông Đà, biến sự hung dữ của dòng sông phục vụ cho phát triển đất nước và phải “biến thủy tặc thành thủy lợi”, phục vụ lợi ích lâu dài cho toàn dân. Đầu những năm 1970, toàn tỉnh Hòa Bình nói riêng, cả nước nói chung cùng sự giúp đỡ của Liên Xô quyết tâm thuần hóa sông Đà và xây dựng nhà máy thủy điện với 4 nhiệm vụ chính: chống lũ, phát điện, tưới tiêu và cải thiện giao thông thủy. Đây là một quyết định lịch sử mang tư duy, tầm nhìn xa chiến lược của đất nước.
Với tinh thần “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, những con người nhỏ bé đã làm nên công trình thế kỷ. Sau hơn 15 năm thi công, ngày 20.12.1994, công trình đã được khánh thành. Ánh sáng điện từ đây được truyền tải khắp mọi miền đất nước. Thành quả này cho thấy, khi có tầm nhìn thì khó mấy cũng tìm ra lối đi, có ý chí, tư duy thì kỳ tích sẽ xuất hiện. Đó là bài học lớn từ công trình thủy điện Hòa Bình.
Giờ đây, khi đang đối diện với khó khăn, thử thách mới, bộn bề ngổn ngang công việc cần giải quyết, bài học từ công trình thủy điện Hòa Bình lại có dịp để ứng dụng. Trước đây, vốn liếng duy nhất Hòa Bình có chính là ý chí con người, còn cái gì cũng thiếu. Song thời điểm này, tỉnh đã tìm ra nhiều lợi thế của chính mình, đó là: vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, đặc sắc văn hóa, tài nguyên du lịch và tiềm năng nông, lâm nghiệp. Tuy sở hữu nhiều lợi thế nhưng với xuất phát điểm còn khó khăn nên đến nay, tỉnh vẫn chưa bứt phá lên được. Do vậy, dám thẳng thắn, mạnh dạn nhận diện cái thiếu, thừa nhận cái yếu là bước đi đầu tiên để tìm kiếm những giải pháp đột phá.
Chia sẻ vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất không chỉ xuất phát từ chủ quan, mà sâu xa chính là về con người. Do vậy, tỉnh xác định, điều quan trọng nhất chính là phải đổi mới tư duy, huy động tổng lực, nguồn lực trong xã hội, nguồn lực tại chỗ, phát huy lợi thế của địa phương để vươn lên thoát nghèo.
Nhận định thay đổi tư duy rất đúng đắn. Bởi, 40 năm đổi mới của đất nước bắt đầu từ phát triển tư duy, từ đó sẽ biến thành hành động, tạo thế phát triển mới. Để hoạch định bài bản, giải quyết vấn đề, Hòa Bình đã ban hành chương trình hành động, thực hiện bám theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Các chương trình hành động, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề cụ thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, xác định 4 khâu đột phá chiến lược gồm: cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; lập quy hoạch, quản lý quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, địa hình của Hòa Bình vốn ngăn sông, cách núi dễ tạo những “điểm nghẽn” cản trở phát triển kinh tế, gây ứ đọng luân chuyển các nguồn lực, khó hấp thụ đầu tư. Bởi vậy, hoàn thiện hạ tầng giao thông chính là “chìa khóa” mở cánh cửa giúp Hòa Bình cất cánh. Hiện, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện. Cùng với đó, tăng cường nhân lực, vật lực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm, như: cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19-Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6, đường Quang Tiến - Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình, đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội); đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu)...
Tạo nền tảng bứt phá vươn lên
Trong những năm qua, cùng với xu thế mở cửa hội nhập của đất nước, với tinh thần khát vọng vươn lên, tỉnh Hòa Bình đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương; không ngừng đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hòa Bình đã đặt mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính tối thiểu 30%, cấp phép cho dự án khởi công trong vòng 1 năm thay vì 3 năm, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính, các khu, cụm công nghiệp dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hòa Bình sẽ quy hoạch 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.209,03ha, trong đó 17 cụm đã có trong quy hoạch trước. Hiện, 15/21 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 705,05ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được phê duyệt là 5.394,529 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn khẳng định, tỉnh đã có quy định lựa chọn nhà đầu tư dựa trên năng lực triển khai quản lý, vận hành dự án dựa trên năng lực tài chính, điều này được rút kinh nghiệm trước đây khi nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đến giữ đất, ôm dự án nhưng không làm. Cùng với đó là quy chế giải phóng mặt bằng cho từng loại đất, quy định rõ trách nhiệm của các ban, ngành, cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc, người dân, doanh nghiệp trong công tác này.
Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình cũng cam kết bảo đảm tính đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với quy hoạch quốc gia, vùng, và các quy hoạch chuyên ngành khác. Tỉnh đặt trọng tâm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đất đai, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi hoặc ban hành mới các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng.
Thành công mà Hòa Bình đạt được là kết quả của 10 năm làm việc miệt mài, rút kinh nghiệm từ thực tế, đúng theo định hướng chung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Trên cơ sở định hướng phát triển bền vững với phương châm “xanh - xanh hơn - xanh hơn nữa” và phát triển theo 4 trụ cột “du lịch - công nghiệp chế biến chế tạo - nông nghiệp sạch - nhà ở vệ tinh” đã giúp nền kinh tế Hòa Bình có bước chuyển mạnh mẽ với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước tăng 9,74%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 81 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.460 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tỉ lệ đô thị hóa ước đạt 36%...
Để tăng cường kết nối giữa các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc với vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của Vùng đến năm 2030 trở thành Vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù tạo thuận lợi cho các tỉnh trong vùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường sống xanh của vùng, phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng.
Hòa Bình cũng mong muốn, Chính phủ sớm quan tâm bố trí vốn ngân sách trung ương đầu tư xây dựng dự án đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa đến Quốc lộ 6 và đường cao tốc CT.03, tỉnh Hòa Bình nhằm tăng cường kết nối giữa các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc với vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói chung và 2 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa nói riêng. Cùng với đó, cho phép điều chỉnh đoạn tuyến từ Km0 - Km19 tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) bằng nguồn vốn đầu tư công và đầu tư xây dựng cao tốc hoàn thiện 4 làn xe...