Dữ liệu tài chính cho biết, năm 2022, Hateco Thăng Long có lợi nhuận sau thuế đạt mức 325 tỷ đồng, gấp hơn 100 lần so với mức “lãi tượng trưng” 3 tỷ đồng ở năm 2021. Vốn chủ sở hữu của Hateco Thăng Long cũng tăng thêm 326 tỷ đồng chỉ sau một năm.
Đáng chú ý, nợ phải trả của Hateco Thăng Long đã giảm mạnh từ mức hơn 1.000 tỷ đồng về mức hơn 460 tỷ đồng. Cùng chiều, nợ trái phiếu của Hateco cũng giảm so với cùng kỳ.
Theo tìm hiểu, Hateco Thăng Long được thành lập vào tháng 8.2016, với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Trong đó, 3 cổ đông chính là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco (Hateco Group), nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ.
Phần còn lại được sở hữu bởi Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Láng Trung (13,294%) và ông Trần Văn Kỳ (6,706%).
Tại thời điểm tháng 9.2020, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 320 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Trần Văn Kỳ (sinh năm 1964).
Mặc dù mới thành lập từ năm 2016, với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, thế nhưng, Hateco Thăng Long đã gây được sự chú ý trên thị trường bất động sản, nhờ vào dự án Hateco Laroma, với tổng diện tích hơn 3.100m2 nằm trên “đất vàng” tại quận Đống Đa. Hateco Laroma cũng là dự án đầu tiên Hateco Thăng Long triển khai và phát triển.
Dự án Hateco Laroma được khởi công vào quý 2.2017, thì tới tháng 9.2018, chủ đầu tư quyết định mở bán đợt đầu dự án này. Ngay trong ngày đầu mở bán, Hateco Thăng Long đã tuyên bố đã có 20% căn hộ đã được giao dịch thành công.
Chủ đầu tư Hateco cho biết, ngay từ khi có thông tin xây dựng, tổ hợp văn phòng dịch vụ, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp Hateco Laroma nhận sự quan tâm của nhiều khách hàng cũng như nhiều nhà đầu tư bất động sản khi đến tham quan và đăng ký dự lễ mở bán.
Một điều khá kỳ lạ, trong giai đoạn 2017 - 2020, Hateco Thăng Long không phát sinh doanh thu. Ngay cả trong năm 2018, dù tuyên bố đã có 20% căn hộ được giao dịch, doanh thu của Hateco Thăng Long vẫn là số 0.
Ngoài ra, trong vòng 5 năm trở lại đây, Hateco Thăng Long liên tục báo lỗ, và có xu hướng lỗ nặng qua các năm. Cụ thể, năm 2016, Hateco Thăng Long báo lỗ 3 tỷ đồng. Sang năm 2017, Hateco Thăng Long tiếp tục báo lỗ 8,9 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 24,5 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 15 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 17,4 tỷ đồng.
Trong 5 năm, từ năm 2016 cho tới năm 2020, tổng tài sản của Hateco liên tục tăng, từ 216 tỷ đồng lên 1.167 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng 196 tỷ đồng, lên 254 tỷ đồng.