
“Vốn xưa quan họ Bắc Ninh/ Muốn tìm tích cũ đến làng Diềm thôn... Xưa kia nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh”. “Làng Diềm thôn” được nhắc đến trong câu ca, nay là làng Viêm Xá, thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là một trong những làng quan họ gốc còn lưu giữ nhiều bài quan họ cùng phong cách diễn xướng cổ. Đặc biệt, chỉ ở làng Diềm mới có đền thờ vua bà thủy tổ quan họ. Hát quan họ làng Diềm là lối hát đối đáp có lề lối. Không chỉ riêng ở làng Diềm mà các làng quan họ hiện nay vẫn còn lưu giữ bốn hình thức hát: hát chúc mừng, hát thờ, hát hội và hát canh. Ba hình thức hát trên có thể tổ chức được ngoài trời, trong đình trong đền. Hát canh vào ban đêm, giữa bọn quan họ làng mở hội xuân với bọn quan họ kết bạn với mình. Nếu như với hát chúc và hát thờ, câu hát thực chất chỉ thay cho những câu giao tiếp, những lời cầu khấn thông thường thì ở hát canh dường như là một sự tranh tài cao thấp giữa các bọn quan họ kết bạn. Tuy nhiên, tranh tài ở đây chỉ là để chơi, cho nên hình thức hát canh còn được gọi là quan họ du ca tại gia, nghĩa là quan họ hát chơi tại nhà chứ tuyệt đối không có thi và trao giải.
Sau khi mời bạn vào nhà, mời nước, mời trầu, xơi cơm quan họ, đôi bên bắt đầu tổ chức hát canh. Trong một cuộc hát canh bao giờ cũng gồm nhiều canh hát.
Ngày nay không ít người còn nhầm lẫn hai khái niệm hát canh và canh hát, cho rằng chỉ là một, cho nên mới nói rằng một canh hát có khi kéo dài mấy đêm liền. Thực ra, khi làng mở hội bao nhiêu ngày thì người ta hát canh trong nhà bấy nhiêu đêm. Nhưng trong những đêm ấy người ta có thể ca đến hàng chục canh hát. Một đôi liền anh và một đôi liền chị ca đối đáp với nhau đủ ba chặng: giọng lề lối, giọng vặc và giọng giã bạn, gọi là một canh hát. Sau đó đôi liền anh liền chị khác lại ca tiếp một canh hát khác.
Vì là tổ chức vào ban đêm nên mới gọi là hát canh. Canh là chỉ ban đêm nên người xưa mới có câu “đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Mỗi canh hát có độ dài ngắn về thời gian khác nhau, phụ thuộc vào vốn bài bản của những người hát. Nhưng do tập truyền lâu đời, các canh hát có những trình tự không khác nhau nhiều. Trình tự này được người quan họ chỉ ra bằng câu cửa miệng: “Quan họ càng về khuya, càng bổng, càng trầm, càng mặn nồng tình nghĩa”. Nhờ vậy, canh càng về khuya, những bài hát thiết tha gắn bó, về nỗi nhớ, niềm thương... càng được người quan họ hát, ca, đối, càng được đẩy tới cao trào của tình cảm và sự tài hoa bay lượn của nghệ thuật ca hát. Đây có thể nói là chặng làm cho quan họ thăng hoa nhất so với các chặng khác trong nghệ thuật hát quan họ ở làng Diềm nói riêng và trong những làng biết hát quan họ nói chung ở Bắc Ninh. Trong hát canh, thực hiện nguyên tắc nam tòng nữ, hoặc âm xướng dương họa. Nghĩa là bên nam phải luôn nhường phần cho bên nữ ra câu trước. Sau khi ca các giọng lề lối ở chặng thứ nhất gồm năm giọng cơ bản là (la giằng, tình tang, bạn kim lang, cái ả, cây gạo); canh hát chuyển sang chặng thứ hai (chặng chính) bao gồm những giọng lẻ, giọng vặt hay còn gọi là hát giao duyên.
Tuyệt đại đa số trong hệ thống bài ca quan họ đều được xem là những ca khúc dân gian mẫu mực ở trình độ hòa hợp giữa thơ ca và âm nhạc. Ở đây, hình thức hát giữa hai bên với những bài quan họ có cùng âm điệu nhưng khác lời ca gọi là hát đối giọng. Trong hát canh, các liền anh liền chị coi hát đối giọng là yêu cầu chủ yếu nhưng đôi khi họ cũng chú ý đến cả sự đối ý, đối lời.
Chặng thứ ba của hát canh bao gồm những bài thuộc giọng giã bạn, tức là hát để chia tay nhau. Quy định bắt buộc của chặng hát này là đầu tiên phải ca giọng Chuông vàng gác cửa tam quan, sau đó mới đến các giọng nói về sự xa cách, nhớ thương như Kẻ Bắc người Nam, Rẽ phượng chia loan, Con nhện giăng mùng, Chia rẽ đôi nơi.
Hát canh ở chặng cuối thường được kéo dài đến canh bốn, vào khoảng hai ba giờ sáng, hai bên tạm nghỉ xơi nước cùng các món đặc sản của làng như bánh khúc, bánh dợm, chè đỗ đãi. Nếu nơi có uống rượu thì quan họ chủ thường cầm chén rượu hát bài ca chuốc rượu để mời bạn, sau đó lại ca tiếp cho đến rạng sáng mới nghỉ. Mở đầu chặng hát này, thường là quan họ khách ca một đôi câu giã bạn tỏ ý tạm biệt, xin ra về nhưng không buộc phải theo lệ đối giọng. Quan họ chủ cũng ca bài giã bạn nhưng là mang ý níu giữ khách trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, nuối tiếc... nên tình ý, giai điệu, âm thanh bài ca làm xúc động lòng người.
Hát canh ở bất kỳ một làng quan họ nào cũng đều gắn liền với nghi lễ, tập tục của chính địa phương ấy. Đó cũng chính là phong cách riêng trong lối chơi quan họ của mỗi làng. Vì vậy, tìm hiểu và duy trì lề lối hát canh quan họ sẽ giúp chúng ta bảo tồn và phát triển một cách bền vững nền văn hóa quan họ, niềm tự hào của người Kinh Bắc.