Cuộc chạy đua với thời gian tìm kiếm
- Thưa Đại tá, điều gì đã thôi thúc anh và đội cứu nạn Việt Nam lên đường đến Myanmar ngay sau khi thảm họa động đất xảy ra?

- Ngay từ khi nhận được thông tin có động đất xảy ra tại Myanmar với cường độ 7,7 độ richter, chúng tôi nhận định là khả năng thiệt hại sẽ rất lớn. Bởi con số này gần con số với đợt động đất của Thổ Nhĩ Kỳ (7,8 độ richter) cũng đã gây thiệt hại lớn. Đây là căn cứ để chúng tôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, đợi lệnh lên đường hỗ trợ quốc tế. Đến chiều 29.3, chúng tôi đã cơ bản chuẩn bị xong về phương tiện. Và đúng như dự định, thông tin về con số thiệt hại ngày một tăng lên, lúc này với sự cho phép của Chính phủ, quyết định của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 30.3, chúng tôi đã lên đường sang Myanmar giúp công tác tìm kiếm cứu nạn.
- Đặt chân sang vùng đất Myanmar, điều gì là thách thức nhất đối với Đội cứu nạn, cứu hộ, thưa Đại tá?
- Có lẽ, thách thức lớn nhất đối với chúng tôi khi đặt chân đến vùng bị nạn Myanmar là điều kiện an toàn của toàn bộ chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ trong môi trường sập đổ. Nếu như hiện trường tại Thổ Nhĩ Kỳ mà chúng tôi thực hiện công tác cứu nạn trước đó là những hiện trường gần như các tòa nhà đã sập đổ hoàn toàn, chỉ cần sử dụng phương tiện cơ giới để đào múc những tấm bê tông phía trên ra, thì hiện trường của Myanmar lại là các tòa nhà chưa sập đổ hoàn toàn nên rất nguy hiểm. Khi xác định được vị trí người bị nạn, chúng tôi đã phải sử dụng tổng hợp đầy đủ các biện pháp, kỹ thuật cũng như các phương tiện phù hợp để có thể tiếp cận nhanh nhất người bị nạn, dùng phương tiện khoan, cắt bê tông nhưng vẫn phải bảo đảm giảm thiểu rung chấn, tránh gây ra nguy cơ sập đổ ở những bức tường đã nứt nẻ hoặc sập đổ thứ cấp khác, để giảm thiểu nguy cơ tác động đến các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
48 giờ “cân não” giữa sự sống và cái chết
- Đại tá có thể chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt khó khăn mà Đoàn gặp phải trong quá trình cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar ?
- Một trong những tình huống khó khăn đoàn phải đối mặt đó là vụ cứu một cụ bà khoảng 80 tuổi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Để tìm kiếm nạn nhân, đoàn đã phải trải qua 2 ngày “cân não” xem dùng phương tiện gì, phương án như thế nào để phá vỡ những bức tường và dầm để có thể đưa người bị nạn ra ngoài... Thật may mắn, dưới sự chỉ huy của tôi, anh em đã kiên trì đào hầm hàm ếch, khoan phía trên để sập sàn tầng 1 xuống, sau đó sử dụng những dụng cụ để kéo người bị nạn ra ngoài.
Đêm trước ngày giải cứu thành công, dù đã cố hết sức, nhưng đến tận 19 giờ, công tác cứu hộ vẫn chưa có kết quả. Quyết định cho anh em nghỉ ngơi được đưa ra, nhưng trong lòng mỗi người đều trăn trở, lo lắng. Đêm ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ không thể chợp mắt. Tâm trí họ cứ miên man: “Sáng mai phải làm sao? Làm thế nào để đưa cụ ra nhanh nhất…?”. Bản thân tôi cũng trằn trọc tới gần 1 giờ sáng mới ngủ thiếp đi. Nhưng chưa được bao lâu, tôi giật mình tỉnh giấc… lòng đầy lo lắng. Hôm sau, chúng tôi bắt tay ngay thực hiện các phương án để giải quyết tình huống, tất cả đoàn nỗ lực làm từ sáng sớm đến chiều tối trong môi trường ngột ngạt.

Đó là một trong những khó khăn, thách thức chúng tôi gặp trong quá trình cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar. Có thể nói, tất cả những hiện trường mà chúng tôi tiếp cận để đưa được nạn nhân ra khỏi khu vực sập đổ đều vô cùng khó khăn. Khi chúng tôi đến thì được biết, các đoàn đến trước đó đều phải dời đi. Trong suy nghĩ của người nhà nạn nhân lúc đó cho rằng Đoàn cứu hộ của Việt Nam cũng sẽ như bao đoàn khác, đến khảo sát và lại rời đi nhanh chóng thôi. Họ ước có một phép màu xảy ra, sẽ có đội quân tinh nhuệ và có thể giúp đưa được nạn nhân, người nhà của họ ra ngoài. Với sự quyết tâm của cán bộ chiến sĩ, nhiều nạn nhân trong đống hoang tàn đổ nát, hiện trường khó đã được đưa ra. Điều này đã thể hiện đúng tính nhân văn vì nhân dân phục vụ không ngại khó, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Sau những nỗ lực, chúng tôi đã được người dân cũng như lực lượng vũ trang của Myanmar ghi nhận, họ còn ví chúng tôi như “đội quân nhà Phật”.
Mỗi nhiệm vụ là một bài học xương máu, nâng tầm cứu nạn Việt Nam
- Sau nhiệm vụ đầy gian nan và cũng nhiều thử thách, những bài học sâu sắc nào được Đoàn rút ra trong công tác cứu nạn, cứu hộ, thưa Đại tá?
- Sau mỗi lần đi xa, được trải nghiệm các tình huống nhiều hơn, bài học được rút ra cũng lớn hơn. Nếu như tại Thổ Nhĩ Kỳ, giúp cho lực lượng chúng tôi nâng cao năng lực thực chiến, bài học về công tác chuẩn bị, thì tại Myanmar, chúng tôi có bài học về trải nghiệm những hiện trường khó. Đây chính là những trải nghiệm vô cùng bổ ích để cho cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nâng cao năng lực, nâng cao trình độ kỹ thuật cứu nạn, cứu hộ cũng như tư duy chiến thuật để có thể làm tốt hơn trong tình huống tương tự.
Từ việc được trải nghiệm những hiện trường khó đó đã giúp cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam có thể vận dụng trong huấn luyện theo chuyên đề và theo nhiệm vụ của từng loại hình thiên tai sao cho phù hợp. Mỗi cán bộ chiến sĩ cũng được nâng cao trình độ, nghiệp vụ; người chỉ huy nâng cao tư duy, lãnh đạo chỉ huy, đặc biệt là tư duy về điều phối, phân bố, lực lượng phương tiện để tổ chức thực hiện những sự cố trên phạm vi, quy mô lớn, qua đó giúp cho người chỉ huy có những tư duy chiến thuật và kỹ thuật để điều hành trực tiếp tại hiện trường.

Có thể nói, những kinh nghiệm, bài học này rất quý báu đối với chúng tôi; đồng thời, nếu như tiếp tục hỗ trợ quốc tế thì lực lượng này sẽ sẵn sàng, có thể cơ động nhanh hơn, hỗ trợ và giúp đỡ được nhiều hơn cho phía bạn.
- Thông điệp nào Đại tá muốn gửi đến những người có thể tham gia vào hoạt động cứu nạn, cứu hộ trong tương lai?
- Ngoài những người làm công tác cứu nạn, cứu hộ trong lực lượng vũ trang - đây là nhiệm vụ đương nhiên của chúng tôi, tôi cho rằng các lực lượng khác ngoài lực lượng vũ trang hoàn toàn có thể hỗ trợ và thực hiện tốt cho hoạt động này nếu như họ có năng lực, và kiến thức về cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, điều tôi muốn nhắn gửi tới các cá nhân, tổ chức muốn tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng để giảm thiểu rủi ro đối với chính cá nhân, người thân trong gia đình mình; đồng thời, có những kỹ năng nhất định để có thể hỗ trợ được cho lực lượng cứu hộ trong nước và hỗ trợ cho lực lượng cứu hộ quốc tế khi có tình huống xảy ra.
- Thưa Đại tá, điều gì đã truyền cảm hứng cho ông theo đuổi ngành cứu nạn, cứu hộ?
- Có lẽ nó là lẽ tự nhiên. Như tôi thường nói là "nghề chọn người". Người chưa chắc đã chọn được nghề, nhưng mà nghề chọn người thì sẽ giúp cho nghề phát triển. Và khi mà hợp giữa nghề chọn người, người chọn nghề mà đi cùng đến một điểm chung thì đương nhiên tinh thần, nỗ lực sẽ cao nhất, lúc đó sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc.
Quá trình công tác trong lực lượng, tôi luôn luôn yêu nghề này và cũng cố gắng phấn đấu mọi nơi, mọi lúc để có thể hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ của mình. Mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cả lực lượng sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phó.
- Trân trọng cảm ơn Đại tá!