Giải Nobel văn học 2017 vừa xướng tên Kazuo Ishiguro, tác giả cuốn Mãi đừng xa tôi, Dạ khúc, năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, Người khổng lồ ngủ quên... (đã được dịch ra tiếng Việt).
Trong ấn tượng của tôi, chân dung nhà văn Anh gốc Nhật này từng hiện lên trái ngược qua hai tấm ảnh. Một, chụp khi đã rất nổi tiếng, ăn vận thanh lịch, gương mặt như một giáo sư; tấm kia chụp thời còn trẻ, tóc tai rối bù, mặc áo ba lỗ, râu ria bờm xờm, tay đánh guitar rất “nghệ”! Tấm ảnh được phóng viên người Hungary Levai Balazs, trong cuốn “Thế giới là một cuốn sách mở” so sánh với “Chân dung một nhà văn thời cún con” của thi sĩ Dylan Thomas.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông bác Salman Rushdie đã chúc mừng Ishiguro bằng một câu đùa hóm hỉnh: “...Và anh ấy cũng chơi guitar và viết nhạc. Cho Bob Dylan “ngửi khói” luôn!”. Bob Dylan năm ngoái đã “phá game” bằng giải Nobel văn học “trên trời rơi xuống”.
Thật ra khi còn là thiếu niên, Ishiguro chưa từng muốn làm nhà văn. Cậu bé Kazuo lúc đó mê mệt chính... Bob Dylan, và từ đáy tâm hồn, cậu cũng muốn thành ngôi sao âm nhạc! Kazuo tập tành chơi guitar gỗ, sáng tác trên trăm bài hát, đi khắp nơi chào hàng các ca khúc đó, chỉ hy vọng một ngày lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất... Mãi đến năm 23 tuổi, cậu mới chấp nhận vỡ mộng. Không may là (hoặc may là), cậu tự thấy mình không có giọng (chắc trước đó Kazuo thấy giọng Bob Dylan cũng không quá xuất sắc mà vẫn nổi như thường nên mới ôm mộng làm ca sĩ).
Để được gắn bó với âm nhạc, Kazuo chuyển mối quan tâm sang phần lời. Cho đến nay, khi đã là tác giả được kẻ đón người đưa chẳng thua gì ngôi sao showbiz, ông vẫn đinh ninh: “Tôi muốn tác động đến người đọc, với tôi đó là văn học. Theo nghĩa đó tôi vẫn luôn là một nhạc sĩ”. Và theo nghĩa đó, năm nay chúng ta lại đón chào một nhạc sĩ nhận giải Nobel văn học!