Xây dựng mô hình cải tiến toàn diện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giải quyết THHC
Chỉ sau 4 tháng xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội, trình các cơ quan có thẩm quyền và được HĐND Thành phố thông qua, ngày 15.10.2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 5390/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố".
Nhiệm vụ này được thực hiện theo Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10.7.2024 của Chính phủ, trong đó có nội dung: "Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính".
Tiếp đó, Nghị quyết số 122/NQ-CP ngày 8.8.2024 của Chính phủ có giao: "UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10.7.2024.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa "truyền thống" như: Thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp Thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC công khai, minh bạch; chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; chưa chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong khi chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến "tỷ lệ thấp, còn hình thức".
Ngoài ra, tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn hạn chế, mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân chưa cao…
Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và mô hình Trung tâm Hành chính công thuộc các sở, ngành của UBND 56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước.
Với tính độc lập trong tổ chức, Hà Nội mong muốn Trung tâm này sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quy trình số hóa, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết TTHC.
Thu gọn từ 677 bộ phận Một cửa còn 30 chi nhánh
Hà Nội hiện có 677 Bộ phận Một cửa được bố trí tại các địa điểm thuận tiện cho việc tiếp nhận và trả kết quả, giúp người dân dễ tiếp cận (thường đặt tại vị trí trung tâm của trụ sở đơn vị).
Việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Hà Nội cũng chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng đầy đủ về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế và không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác tiếp nhận, trả kết quả bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo UBND TP. Hà Nội, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu đã được cập nhật qua số hóa; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư bảo đảm "3 tăng", "3 giảm", "3 không": tăng chất lượng dịch vụ, tăng minh bạch, công khai, tăng sự hài lòng và niềm tin của tổ chức, cá nhân; giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; không phiền hà, sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không có TTHC giải quyết trễ hạn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải, đây không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho "Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh" của thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định "Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội" trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt.
Đề án này của TP. Hà Nội cũng nhằm tháo gỡ các điểm "nghẽn" và giải quyết tình trạng "ách tắc" trong giải quyết TTHC (đặc biệt ở các sở, ngành và trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng,…) có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của thành phố.
Bên cạnh đó, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7.