Ông Thịnh cho biết, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là triển khai quy hoạch phòng lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18.2.2016). Từng bước di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ. Theo đó, TP Hà Nội phải di dời 09 khu với 1.900 hộ.
Như vậy, so với Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND ngày 11.12.2009 trước đó, Hà Nội phải di dời 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân, nằm trong giới chỉ thoát lũ các tuyến sông thì số hộ dân và khu dân cư theo quy hoạch mới đã giảm.
|
Ông Thịnh cho biết, từ khi quy hoạch chúng ta chưa di dời được hộ dân nào trong hành lang thoát lũ. Theo Quyết định 257/QĐ –TTg ngày 18.2.2016 thì việc thực hiện quy hoạch được tiến hành trong thời gian dài.
Về vấn đề này, ông Lưu Quang Huy, Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết thêm, theo quy hoạch, với những hộ dân phải di dời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nghiên cứu tính khả thi thực trạng của của khu dân cư để đưa ra quy hoạch. Theo quy hoạch cũ trước đây, khu vực trong hành lang thoát lũ thì không được xây dựng trong đó có việc xây dựng trường lớp…Vậy, sau khi rà soát và quy hoạch lại, những khu vực nằm ngoài hành lang thoát lũ rồi thì thành phố cũng cần chỉnh trang khu vực này để bảo đảm an sinh xã hội và hạ tầng xã hội, ông Huy nêu rõ.
Được biết, theo Quyết định 257/QĐ-TTg, di dời các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Từng bước thực hiện di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn. Các khu vực còn lại được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có. Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương và các hộ dân phải có phương án chủ động đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra lũ lớn.