Bảo đảm cam kết về tiến độ các dự án thoát nước, xử lý nước thải
Trong phiên tái chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Khoá XVI, đại biểu Nguyễn Minh Tuân cho biết, UBND thành phố đã có cam kết phê duyệt 8 dự án thoát nước và thu gom xử lý nước thải nhưng tới nay, mới trình được 4 dự án. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm chưa hoàn thành tiến độ các dự án?
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Sở đã triển khai thực hiện lập đề xuất chủ trương đầu tư của 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó đã trình HĐND thành phố được 4 dự án; hiện nay còn 4 dự án. Đối với dự án cải thiện môi trường thoát nước tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm thì chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện được chủ trương đầu tư của dự án này. Còn 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 894 tỷ đồng, tháng 10.2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ của phân khu N10, đây là cơ sở để Sở Xây dựng hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư của dự án.
Đối với nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc lập đề xuất chủ trương với tổng mức đầu tư là 2.600 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư như vậy và với cả toàn bộ phần lưu vực của dự án này là 2.894 tỷ đồng. Lý do chậm của dự án này liên quan đến lưu vực sông, phải kết nối được tới khoảng gần xấp xỉ với 100 dự án nhà ở, khu đô thị. Hiện, dự án đang trình Sở Kế hoạch - Đầu tư. Về dự án thu gom và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ với toàn bộ diện tích hơn 3.000 ha với tổng mức đầu tư là 2.900 tỷ đồng.
Đại biểu Trịnh Xuân Quang trong nội dung chất về Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong thì đề nghị, UBND thành phố cho biết các kết quả thực hiện cam kết về xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Trước sự quan tâm của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong hiện đã được duyệt khối lượng xử lý giai đoạn 1 là 450 tấn/ngày. Doanh nghiệp đang triển khai để làm hoàn chỉnh các thủ tục khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm 2023. Để bảo đảm được tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật phát điện thì phải điều chỉnh quy hoạch, nâng lên công suất 2.000 tấn/ngày/đêm.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng công viên
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hoàng Thị Tú Anh liên quan đến tình trạng chậm tiến độ tại Dự án Công viên Hà Đông, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết: Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Khoá XVI đã ban hành Nghị quyết số 11 về hoạt động chất vấn. Trong đó, yêu cầu phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Khu Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông trong quý 3.2023.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, quận Hà Đông, thời gian qua, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố tiến hành đã rà soát, lập đề xuất thực hiện dự án bằng nguồn vốn ngân sách quận. Đến nay, đã lập xong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Theo phân kỳ giai đoạn đầu tư, dự án có tổng diện tích 95ha; trong đó thì diện tích mặt nước là 35,09ha; diện tích công viên văn hóa, cây xanh là 13,15ha; diện tích công viên vui chơi giải trí là 23,18ha; diện tích công viên thể thao là 23,59ha.
"Hiện nay, quận đang trong quá trình lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án để báo cáo HĐND quận thông qua trong kỳ họp sớm nhất. Trong thời gian tới, quận Hà Đông sẽ thực hiện nghiêm việc lập chủ trương đầu tư cũng như thực hiện quy trình đầu tư. Phân kì 2 quận sẽ phải giải phóng mặt bằng diện tích còn lại khoảng 40ha nữa và sẽ cố gắng để hoàn thành trong thời gian tới theo cam kết. Trong năm 2024 sẽ phê duyệt được chủ trương đầu tư dự án", Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết.
Lần thứ 3 đặt vấn đề về dự án Công viên Đống Đa, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nhiều lần cam kết phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án trong năm 2023. “Đề nghị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết tình hình, kết quả nội dung cam kết trước cử tri Thủ đô”, đại biểu nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết: việc triển khai dự án này đã kéo dài thời gian khá lâu từ 2021 đến nay. Về trách nhiệm, Sở là đơn vị tham mưu, thẩm định trình UBND thành phố đối với quy hoạch; quận Đống Đa là đơn vị xác lập, chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ. "Chúng tôi phụ thuộc vào vấn đề trình của UBND quận Đống Đa và đã có 4 lần gửi văn bản đôn đốc; riêng năm 2023 đã có 2 lần gửi văn bản. Sở chia sẻ với quận khi mở rộng diện tích thì gặp bài toán về dân cư hiện có, diện tích cây xanh, diện tích dự án liền kề liên quan trong khu vực nhưng phía quận Đống Đa cũng cần tập trung vào thực hiện dự án này", ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, qua trao đổi với quận Đống Đa cho thấy, có một số khó khăn trong triển khai. Quận đã đề xuất với Sở báo cáo UBND thành phố sẽ trình quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 4.2024. Với thẩm quyền của mình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cam kết khi quận gửi dự án sẽ rút ngắn thời gian thẩm định còn khoảng 15 - 20 ngày.
Trả lời làm rõ thêm nội dung này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định thông tin, quận đã rà soát hiện trạng, lập hồ sơ báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Do chưa có hướng dẫn bố trí nguồn kinh phí lập quy hoạch nên quận dùng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện, tuy nhiên chỉ khi có hướng dẫn thì quận mới có thể thực hiện được. Đồng thời, cho biết, sau khi có hướng dẫn cụ thể thì đến tháng 4.2024, sẽ trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án.