8 bài học kinh nghiệm, xác định 6 nhóm vấn đề
Phát biểu gợi mở, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng đoàn khảo sát cho biết, thực tiễn của Hà Nội là hình ảnh thu nhỏ nhưng rất quan trọng để nhìn nhận toàn diện về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, báo cáo tổng kết 40 năm về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Hà Nội sẽ có tầm quan trọng đặc biệt, giúp chúng ta nhìn nhận lịch sử qua 40 năm, trong đó rút ra những bài học còn nguyên giá trị, kế thừa và tiếp tục trong đường lối đổi mới.
Đoàn khảo sát muốn lắng nghe những phân tích, dự báo của Thành ủy Hà Nội trong bối cảnh mới, thực tiễn mới, nền tảng phát triển mới để làm sâu sắc thêm bài học kinh nghiệm quý được đúc rút trong 40 năm qua; đồng thời dự báo tình hình sắp tới gắn liền với thực tiễn hiện nay. Từ thực tế khảo sát tại Hà Nội và một số địa phương, đoàn sẽ đưa ra các nội dung bổ sung từ thực tiễn của Hà Nội để đóng góp, hoàn thiện đường lối đổi mới của đất nước.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, 40 năm đổi mới so với lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội là không dài song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ thành phố coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, đạt được kết quả quan trọng.
Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Kinh tế Thủ đô từ bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên con đường hội nhập và phát triển, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thủ đô được nâng lên, nhiều sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Vị thế Thủ đô trên trường quốc tế được nâng cao. Văn hóa - xã hội của Thủ đô sau gần 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc. Việc chăm lo đời sống nhân dân và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được chú trọng; các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy.
Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn. Tiềm lực, thế trận và sức mạnh của khu vực phòng thủ không ngừng được củng cố, tăng cường…
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, từ thực tiễn thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã đúc rút 8 bài học kinh nghiệm, đồng thời xác định 6 nhóm vấn đề và đề xuất những giải pháp mà Thủ đô cần phải giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.
Tại hội nghị, các thành viên đoàn kiểm tra đã nêu nhiều câu hỏi nhằm trao đổi, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Thủ đô Hà Nội trong 40 năm qua.
Kết quả thực tiễn thể hiện tầm nhìn “rất sớm, rất xa” của Hà Nội
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao báo cáo của Thành ủy Hà Nội được chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan; đồng thời ghi nhận những phát biểu mang tính gợi mở của các đại biểu với mong muốn đưa Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm, đáp ứng kỳ vọng của người dân Thủ đô và cả nước.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, những kết quả thành phố Hà Nội đã đạt được, những hạn chế, bất cập và kiến nghị, đề xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thực tiễn cho báo cáo tổng kết của Trung ương.
Nhấn mạnh những đổi mới, có tính chất đột phá của Hà Nội như chú trọng vấn đề phát triển con người, phát triển công nghiệp văn hóa; tạo bước đột phá bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng điều này thể hiện tầm nhìn từ rất sớm, rất xa của Hà Nội.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổng kết công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua, Trưởng đoàn khảo sát ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp thiết thực, có giá trị của các đại biểu; đồng thời mong muốn, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục trao đổi, đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, giúp chúng ta làm rõ sự phát triển, những bài học thành công, những hạn chế; từ đó đề xuất cơ sở khoa học để hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, ngay sau khi nhận được kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết; xây dựng báo cáo của cả 8 chuyên đề.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp thiết thực, ý nghĩa của đoàn khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến để hoàn thiện các Báo cáo chuyên đề bảo đảm chất lượng, hiệu quả phục vụ công tác tổng kết 40 năm đổi mới của thành phố và Trung ương. Qua đó, thành phố cũng sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.