Theo đó, những nội dung chính của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi gồm: Mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng…; Bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế.
Về thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, hiện nay có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: Thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.
Thị trường bia rượu trong nước, nhất là bia, có 3 phân khúc: Phân khúc phổ thông; phân khúc trên phổ thông/cao cấp; phân khúc phi chính thức.Theo thống kê hiện nay, với thị trường bia, khoảng 80% tiêu thụ là các loại bia phổ thông.
Theo TS. Võ Trí Thành nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước.
Ông Thành kiến nghị giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Ở Việt Nam, chủ yếu là thuế tương đối thuộc nhóm 27% các quốc gia, còn lại 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang thuế tuyệt đối và hỗn hợp. Đối với về nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước uống giải khát không cồn đang dự kiến mức chịu thuế 10%. Về nước giải khát có đường thì phần tích đánh giá chưa đầy đủ, do đó, cần nghiên cứu thêm.
"Về rượu, bia dự kiến tăng thêm mức thuế 10%. Qua so sánh các nước tương đồng thì mức dự kiến này ở mức cao. Bộ Tài chính có thể tiếp tục bảo lưu ý kiến trong hồ sơ luật. Nhưng chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng hơn, theo lộ trình rõ ràng. Đồng thời, cân nhắc về thời điểm kinh tế khó khăn và phù hợp với các chính sách tài khóa, tiền tệ…", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, cơ quan tham mưu soạn thảo nên đánh giá sự cần thiết một cách kỹ lưỡng, không phải là sự cần thiết nói chung của việc sửa đổi luật mà phải tính đến từng loại sản phẩm, không thế đánh giá chung chung. Theo đó, cần phải có công thức để quyết định khoảng thời gian bao lâu. Thời gian này bằng thời gian doanh nghiệp bị tác động có thể duy trì sản xuất kinh doanh cộng với thời gian cần thiết để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh nếu như có sự thay đổi luật.
"Với vấn đề đánh thuế theo cách nào? Thuế suất là bao nhiêu? Phải thống nhất rằng thuế là một biện pháp quan trọng trong việc đạt được mục tiêu chính sách chứ không yếu tố quyết định tất cả, chúng ta phải sử dụng nhiều công cụ khác, nên thuế suất bao nhiêu phải dựa trên căn cứ này" - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Phó trưởng phòng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Lê Thùy Linh cho biết, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì, lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Hiện nay đã trình Chính phủ và đang ở khâu lập đề nghị, đối với kiến nghị chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất đến năm 2025 của đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), bà Linh cho biết Bộ Tài Chính đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và thông qua, phê duyệt.