Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia vào Kỳ họp bất thường lần thứ hai diễn ra vào đầu tháng 1.2023. Với chức năng là cơ quan nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, sau Hội thảo này, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tập hợp các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia để gửi đến Lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội tham khảo nhằm có thêm cơ sở trong quá trình thảo luận về dự thảo Nghị quyết này.
Các chuyên gia dự Hội thảo nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược, là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước… Khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, việc xây dựng các quy hoạch khác sẽ khó thực hiện. Đồng thời hiện nay, nhiều quy hoạch không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới hoặc đã sắp hết hạn, cần nhanh chóng xây dựng để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, của địa phương, của các ngành…

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, về cơ bản dự thảo Nghị quyết đã bám sát nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, cần được cô đọng và ngắn gọn hơn, rà soát lại các mục tiêu phát triển cho phù hợp với Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung quy hoạch phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, những vấn đề đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực cần được xác định cụ thể, bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo. Nguồn nhân lực là nguồn lực cơ bản cho sự phát triển nhưng quy hoạch đề cập chưa toàn diện và cụ thể, rất cần có quy hoạch phát triển một cách chi tiết để phát huy và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước một cách hiệu quả...
Nhằm tăng tính khả thi của quy hoạch, phù hợp với các nguồn lực của quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, một số đại biểu cho rằng, về Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, các định hướng cần được tiếp tục cân nhắc, chọn lọc kỹ hơn, căn cứ vào việc đánh giá chính xác khả năng và nguồn lực tài chính có thể huy động, khả năng giải ngân, số lượng và năng lực của nguồn nhân lực quốc gia.
Về định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội, cần nâng cao chất lượng dạy học ở cấp phổ thông; đẩy mạnh việc tái cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học thực sự trở thành đại học tổng hợp, đa ngành; đa dạng hóa ngành học ở các trường dạy nghề. Từng bước củng cố nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của hệ thống bệnh viện hiện có; xác định đúng chính sách phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa y tế để tăng thêm số lượng và chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân… Về Định hướng phát triển không gian biển, các định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 cần tiếp tục được cân nhắc, chọn lọc, khoanh vùng ưu tiên, tăng tính khả thi, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng hiện nay…