Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Đức Thuận và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có: Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Lưu Quang Vụ; Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Thiếu tướng Trần Minh Tuấn; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An; đại diện các bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV đã bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đó, dự án Luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ Năm và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực, khẩn trương, cầu thị, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, đơn vị, nhân dân, cử tri cả nước.
Với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra, trên tinh thần chuẩn bị “từ sớm từ xa”, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phân công Thường trực tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng luật và sau khi tiếp nhận Tờ trình của Chính phủ đã tiến hành một số hoạt động phục vụ cho công tác thẩm tra. Vừa qua, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có 4 Đoàn công tác đi khảo sát tại các địa phương.
Nhấn mạnh Luật khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng được tốt hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, Thiếu tướng Trần Đức Thuận mong muốn cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tích cực phối hợp tham mưu với Quốc hội để khi ban hành Luật có chất lượng cao, đặc biệt là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước với lĩnh vực quân sự quốc phòng; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng. Đồng thời đề nghị các chuyên gia tại hội thảo góp ý toàn diện, đa chiều vào những nội dung trọng tâm để có thêm thông tin hỗ trợ cho quá trình hoàn thiện cũng như thẩm tra sơ bộ dự án Luật.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bởi việc ban hành Luật được thực hiện trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã được đề cập và phân tích trong Tờ trình dự án Luật của Chính phủ; đánh giá cao hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đúng quy định của pháp luật. Các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến về các khái niệm, phạm vi điều chỉnh trong quy định chung; các chương, điều cụ thể và một số nội dung liên quan trong dự thảo Luật.