Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi hội tụ, gặp gỡ và giao lưu của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa và sự tác động của kinh tế thị trường, không gian này đang có nhiều biến đổi, đòi hỏi có phương pháp bảo tồn hiệu quả.
Lớp tập huấn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua chợ phiên. Qua đó, tăng cường, quảng bá, phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, động viên, khích lệ các nghệ nhân sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhằm phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đó, dự kiến trong quý III, sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn về bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa truyền thống trong chợ phiên của đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố Cao Bằng và tại huyện Trùng Khánh. Các học viên là nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai lớp tập huấn giảng dạy tập trung trong 3 chuyên đề/lớp, bao gồm: thực trạng, kết quả và hiệu quả chợ phiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn nét văn hóa truyền thống Chợ Phiên trước thách thức của kinh tế thị trường; bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được thể hiện trong chợ phiên cùng một số mô hình chợ phiên trong nền kinh tế thị trường.