Giáo viên cần quan tâm tới việc truyền cảm hứng, đam mê cho người học

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức.

100% tỷ lệ huyện, xã đạt phổ cập giáo dục cấp THCS

Báo cáo về kết quả năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, năm học 2023 - 2024, giáo dục trung học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 9, lớp 12. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 9, lớp 12 từ năm học 2024 - 2025.

Đây cũng là năm học tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết 88 về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện việc đánh giá giữa kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT. 

Năm học 2023 - 2024 có số học sinh tăng ở cả hai cấp học. Số học sinh cấp THCS là 6.550.552, tăng 472.852 học sinh so với năm học trước đó. Số học sinh cấp THPT là 2.993.731, tăng 106.166 học sinh so với năm học 2022 - 2023.

Đối với công tác phổ cập giáo dục, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; mức độ 2 chiếm 23,8% và mức độ 3 chiếm 12,69%. 100% tỷ lệ huyện, xã đạt phổ cập giáo dục cấp THCS.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Phải để học sinh thích thú với việc học rồi mới bàn đến câu chuyện phương pháp học -0
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành báo cáo tại Hội nghị

Về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở, thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2023 - 2024, ở cấp THCS, THPT, tổng số đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên tăng thêm lần lượt 2.641, 1.803 giáo viên so với năm học 2022-2023.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, các địa phương đã triển khai tổ chức việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà. Một trong những điểm mới trong công tác tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn giáo viên của đổi mới giáo dục lần này là việc tăng cường khả năng tự đào tạo, tự bồi dưỡng của giáo viên.

Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ.

Công tác đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024 đạt thành tích cao.

Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.

Kết quả thực hiện chương trình cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều kỹ năng vượt trội, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm được cải thiện và giúp học sinh vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế nhiều hơn. 

Phải để học sinh thích thú với việc học 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định, kết quả đạt được trong năm học vừa qua đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên là kết quả chung, minh chứng cho sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT và ngành giáo dục 63 tỉnh, thành phố.

Với những điều kiện kinh tế - xã hội, hoàn cảnh khác nhau, các địa phương đã nỗ lực, khắc phục, vượt khó và vượt lên chính mình để đạt kết quả tốt, hoàn thành mục tiêu năm học đề ra.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Phải để học sinh thích thú với việc học rồi mới bàn đến câu chuyện phương pháp học -0
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra.

“Nếu tự chúng ta không có những kiểm tra, thanh tra sẽ tự buông xuôi sức lực của chính mình. Đối với các đơn vị, các địa phương có bộ máy chưa đúng quy định thì cần có các văn bản đề nghị thực hiện đúng quy định, thậm chí thực hiện kiểm tra và có những hướng dẫn cụ thể, thực tế”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng đề nghị các Sở GD-ĐT cần tự đánh giá nghiêm túc, khắc phục những hạn chế yếu kém. Cần thực hiện tự kiểm tra, đánh giá thường xuyên và thanh tra đúng trọng tâm vấn đề.

Lưu ý các Sở GD-ĐT tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác dạy và học, Thứ trưởng nhấn mạnh, đây không phải nhiệm vụ mới, nhưng phải luôn có những giải pháp, sự linh hoạt bằng cách tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình tháo gỡ những vấn đề khó để chất lượng giáo dục được nâng cao.

Theo Thứ trưởng, trong quá trình thực hiện cần quan tâm tới việc truyền cảm hứng, đam mê cho người học.

“Đó là vai trò của người thầy, của môi trường giáo dục. Phải để học sinh thích thú với việc học rồi mới bàn đến câu chuyện phương pháp học, cách học. Phải cá thể hóa trong dạy học, học sinh trung bình phải được giáo dục phát triển thành học sinh giỏi, học sinh yếu kém phát triển thành học sinh trung bình, dần dần cải thiện chất lượng giáo dục. Công tác kiểm tra, đánh giá cần thực hiện thường xuyên, đặc biệt là kiểm tra đánh giá đầu cấp, cuối cấp. Chủ động làm quen các phương thức, hình thức để giáo viên, học sinh không bỡ ngỡ”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương về việc xây dựng các chương trình học tập, xây dựng văn hóa đọc tại nhà trường, cộng đồng, xã hội; phát triển các phong trào thi đua, thiết thực, hiệu quả ở các cấp trong toàn ngành giáo dục; quản lý học thêm, dạy thêm tại các địa phương.

Bước sang năm học 2024 - 2025, Thứ trưởng mong muốn các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ GD-ĐT với các Sở GD-ĐT, các địa phương để có sự phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả trong giáo dục và đào tạo.

Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.