Không ít khó khăn, vướng mắc
Báo cáo về tình hình, kết quả xử lý các lô đất tái định cư dôi dư đầu tư từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thanh Điện cho biết: Thời gian qua, việc xây dựng khu tái định cư được Nhà nước quan tâm bố trí đất ở cho người bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch giúp các công trình, dự án sớm được triển khai… Qua rà soát hồ sơ, trình tự thủ tục các dự án tái định cư từ nguồn ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ cho thấy, quá trình thực hiện các dự án này trải qua nhiều thời kỳ quy định Luật Đất đai 2003, 2013; hồ sơ thủ tục bàn giao, quản lý dự án tái định cư không đầy đủ, hiện địa phương tự quản lý.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 dự án với 7.530 lô đất tái định cư sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ đã cơ bản hoàn thành, hiện đã bố trí tái định cư 5.595 lô… Để từng bước đưa đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án thực hiện tại Quyết định số 3934/QĐ-UBND ngày 2.12.2021, gồm: 1.200 lô địa phương đề nghị giữ lại để bố trí tái định cư cho các dự án tại địa phương trong thời gian tới; có 735 lô đất dôi dư thuộc 22 dự án trên địa bàn 8 đơn vị cấp huyện với tổng diện tích là 28,97ha, không còn nhu cầu bố trí tái định cư, thực hiện thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính (Sở Tài nguyên và Môi trường) quản lý để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trần Việt Hà cho biết: Trên địa bàn có 20 dự án sử dụng đất công bố danh mục kêu gọi nhà đầu tư tham gia đấu thầu để thực hiện dự án. Trong đó, nhóm dự án đã thực hiện đấu thầu, lựa chọn được nhà đầu tư và ký kết hợp đồng thực hiện thì trong tổng số 7 dự án đã ký hợp đồng, có 1 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 6 dự án đang thực hiện GPMB, xác định giá đất cụ thể, giá trị nộp ngân sách (m3), chưa tiến hành bàn giao đất.
Về nhóm dự án được chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, do khi công bố danh mục chỉ có 1 nhà thầu tham gia đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu nên đến nay mới có 1 dự án đã GPMB 100%, còn lại hầu hết các dự án trong nhóm này chủ yếu vừa mới có quyết định chấp thuận nhà đầu tư và đang tiến hành GPMB… Về nhóm dự án đang thực hiện công bố danh mục kêu gọi nhà đầu tư hoặc đang xây dựng hồ sơ mời thầu (chủ yếu là đang xác định m3): các dự án thuộc nhóm này chủ yếu phân ra hai loại là đang công bố danh mục để kêu gọi nhà đầu tư và đang lập hồ sơ mời thầu; nhóm dự án đang lập hồ sơ mời thầu (4 dự án) đang gặp khó khăn trong công tác xác định m3.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, báo cáo của UBND tỉnh đã nêu lên được những khó khăn, vướng mắc về xử lý các lô đất tái định cư dôi dư đầu tư từ nguồn vốn NSNN. “Tuy nhiên, để có thể xử lý được nội dung này, UBND tỉnh cần phải rà soát lại tất cả các vấn đề xung quanh các lô đất tái định cư dôi dư đầu tư từ nguồn vốn NSNN và giao rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương cùng mốc thời gian xử lý cụ thể”, ông Trần Thế Dũng nhấn mạnh.
Qua khảo sát thực tế, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần cho rằng, hạ tầng một số đô thị sau khi hoàn thành chất lượng kém. Do đó, đề nghị làm rõ công tác quản lý chất lượng hạ tầng và trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc quản lý sau khi đã bàn giao hạ tầng… Còn Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga thì đề nghị UBND tỉnh, sở ngành liên quan cho biết giải pháp, hướng xử lý thời gian tới đối với các dự án tái định cư chưa được nghiêm thu quyết toán đã xuống cấp, hư hỏng.
Ở góc nhìn khác, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đề nghị, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan làm rõ quy trình phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất; kết quả thực hiện Quyết định số 33/2020 của UBND tỉnh về quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đối với công tác quản lý hạ tầng đô thị...
Xử lý dứt điểm các tồn đọng
Trước những khó khăn, vướng mắc về việc xử lý các lô đất tái định cư dôi dư đầu tư từ nguồn vốn NSNN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cấp huyện báo cáo, rà soát lại, giải trình làm rõ việc chưa thực hiện xong công tác GPMB, đầu tư hạ tầng, báo cáo rõ việc thanh quyết toán các công trình dự án, đề xuất phương án để đưa vào thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định…
Về việc thực hiện đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật thì UBND tỉnh sẽ kiện toàn Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh; tiếp tục giao các sở liên quan xin ý kiến hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ xác định giá sàn nộp NSNN giá đất cụ thể và cách áp dụng suất vốn đầu tư từ Trung ương; đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã nơi có dự án và các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bội thường, GPMB để sớm bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Nhấn mạnh những nội dung về đất đai và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư là những vấn đề khó, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị: UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nỗ lực hết sức để tìm cách tháo gỡ; xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng… Đối với việc xử lý các lô đất tái định cư dôi dư, UBND tỉnh thành lập tổ công tác, rà soát lại cụ thể từng dự án để đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cho phương án xử lý. Việc này cần có thời gian, hạn định cụ thể, xác định rõ các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh để xử lý và cần phân định rõ trách nhiệm, tham mưu của các sở, ngành liên quan.
Về thực hiện các dự án có sử dụng đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu UBND tỉnh kịp thời hoàn thiện các nội dung Chính phủ yêu cầu về bổ sung Đề án quy hoạch chung của tỉnh để Chính phủ sớm phê duyệt; sau khi phê duyệt cần công bố rộng rãi các danh mục thu hút đầu tư… Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần tập trung cao cho công tác GPMB, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và đặc biệt là để giữ chân các nhà đầu tư lớn; đồng thời, quan tâm tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi và kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.
“Sở Xây dựng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, đồng hành tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn các nhà đầu tư khắc phục, bổ sung những vấn đề, nội dung còn thiếu… Các ngành chức năng tích cực tham mưu các phương án giải quyết để sớm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai hiện nay, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh