Thông tin trên được Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 đối với các cấp học mầm non, tiểu học, trung học và thường xuyên vừa tổ chức.
Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non và tiểu học
Bộ GD-ĐT cho biết, đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026;
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Bộ GD-ĐT thừa nhận, mặc dù, đội ngũ giáo viên hàng năm được bổ sung biên chế tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; Việc các trường tổ chức dạy học theo các tổ hợp lựa chọn không giống nhau đã khiến cho việc thay đổi tổ hợp và chuyển trường của học sinh lớp 10 năm nay gặp nhiều trở ngại.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp Mầm non là 86,3%, cấp Tiểu học là 83,3%, THCS 90,3%, THPT 99,9%.
Ông Minh cho hay, việc thực hiện đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều. Một số nơi tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 còn thấp như cấp Mầm non ở vùng Đông Nam Bộ, cấp Tiểu học ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.
Cuối năm học 2022-2023, cả nước tuyển dụng thêm được hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.
Tình trạng thừa thiếu giáo viên vẫn còn chưa thực hiện triệt để, không tuyển dụng được hết biên chế được giao. Tỷ lệ giáo viên còn thấp, cơ cấu thiếu cân đối.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế, biến động dân số; Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định Tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, thêm tiết học...
Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.
Bên cạnh đó, tại các địa phương thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp còn triển khai một cách cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.
Thiếu đủ thứ
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện nay ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, trước mắt là thách thức của việc thiếu đủ thứ: thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, thiếu tài chính, thiếu sự chăm lo.
Theo Bộ trưởng, càng đổi mới, càng đặt trước yêu cầu chất lượng cao thì sự “thiếu” càng lớn hơn. Và trong sự “thiếu” này vẫn có cái thiếu thuộc về chủ quan những người làm quản lý giáo dục, khi chưa bày tỏ hết mức, chưa kiến nghị hết mức, chưa nhìn thấy những việc cần phải làm để bày tỏ, kiến nghị một cách mạnh mẽ.
Đánh giá niềm tin của xã hội với ngành thời gian qua đã được củng cố hơn, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, đây vẫn là thách thức khi những vấn đề dư luận bức xúc về ngành vẫn còn, từ đó đặt ra yêu cầu cần gia tăng hơn nữa niềm tin bền vững của xã hội với sự nghiệp giáo dục.
“Sự đồng lòng trong ngành đã có nhưng để thể hiện ra xã hội, để lôi cuốn xã hội chưa cao”, khẳng định điều này như một thách thức, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, ngành tuy đông nhưng chưa mạnh, còn cảm giác tự mình thấy mình ở nhóm yếu thế.
Ngoài ra, trong quá trình đổi mới, sự vượt lên chính mình, vươn lên của từng cơ sở giáo dục, từng giáo viên, nhà quản lý còn chưa đủ cũng đang tạo ra thách thức cho ngành. Theo Bộ trưởng, đây là điều cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ năm học mới, Bộ trưởng cho biết: Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế; tạo bước tiến lớn về thể chế, chính sách.
Bộ trưởng nhấn mạnh là xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là bộ luật rất quan trọng với ngành và trong quá trình thảo luận, từng chính sách trong Luật cần có sự đóng góp ý kiến, hô ứng từ cơ sở, các thầy cô giáo, nhà trường; từ đó mới thuyết phục được xã hội, Chính phủ, Quốc hội.
Với nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, năm học 2023-2024 là năm bứt phá, thực hiện một khối công việc lớn, những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Do đó đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp.
Năm học 2023-2024 còn là năm yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học; đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá - với định hướng này, Bộ trưởng nêu cụ thể yêu cầu đổi mới với từng môn học như Lịch sử, Ngữ văn, Toán học, Hoá học, Vật lí… Cùng với đó là việc quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh.
Về công việc trước mắt chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng đề nghị địa phương chuẩn bị cả về tâm thế, tư tưởng, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, sách giáo khoa, học liệu, tập huấn giáo viên...