Chương trình môn khoa học tự nhiên cấp THCS được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung: chất và sự biến đổi của chất; vật sống; năng lượng và sự biến đổi; trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khỏe, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,...
Chương trình môn lịch sử và địa lý gồm 2 phân môn lịch sử, địa lý. Nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ nhau. Chương trình còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như: các cuộc đại phát kiến địa lý, đô thị - lịch sử và hiện tại, văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông.
Việc dạy học tích hợp đã được nhiều nước tiên tiến triển khai, cũng phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực người học, bởi như Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từng lý giải, khi giải quyết một vấn đề thực tiễn, học sinh cần kiến thức tổng hợp nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Tuy nhiên, hai năm đầu tiên triển khai dạy tích hợp đối với lớp 6 và lớp 7 tại các cơ sở giáo dục đã bộc lộ một số khó khăn.
Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ngày 9.2, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Lê Thị Tượng cho biết, do đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy các môn tích hợp nên việc triển khai thực hiện giảng dạy những môn này gặp khó khăn, kể cả phân công nhiều giáo viên dạy một môn hay một giáo viên dạy một môn. Nguyên nhân là giáo viên chỉ được đào tạo để giảng dạy một hoặc hai trong ba nội dung (hóa học, sinh học, vật lý) của môn khoa học tự nhiên; một trong hai nội dung của môn lịch sử và địa lý. Vì thế, hiện nay chưa có giáo viên được đào tạo để giảng dạy đủ các nội dung của 2 môn tích hợp ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường THCS Ngô Sỹ Liên thực hiện phân công hai hoặc ba giáo viên dạy một môn, để bảo đảm logic về mạch kiến thức, đến chủ đề thuộc nội dung nào giáo viên có chuyên môn ở nội dung đó sẽ thực hiện hết chủ đề liên tục. “Mà như thế, thời lượng giảng dạy của giáo viên không ổn định, có tuần phải dạy trên 20 tiết, nhưng có tuần số tiết giảm chỉ còn một nửa. Khi đó, thời khóa biểu lại thay đổi theo để phù hợp với việc triển khai thực hiện mạch kiến thức của chương trình môn học. Việc nhận xét, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng khó toàn diện, triệt để khi có nhiều hơn một giáo viên cùng giảng dạy một môn nhưng lại chỉ có một bài kiểm tra, đánh giá chung”, cô Lê Thị Tượng nêu thực tế.
Nếu phân công một giáo viên dạy một môn thì thuận lợi cho việc xếp thời khóa biểu, chương trình được thực hiện liền mạch. Nhưng trước yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh thì đội ngũ giáo viên rất khó đáp ứng do có những năng lực đặc thù của nội dung môn học mà chính giáo viên chưa được trang bị. Khi gặp phần kiến thức liên môn thì một giáo viên không thể giảng dạy, hướng dẫn học sinh học tập đạt chất lượng như mong muốn. Thậm chí có giáo viên từng thú nhận, nếu trong giờ học mà một học sinh giỏi đặt câu hỏi khó với nội dung mình chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu, thì sẽ không tự tin trả lời.
“Điều này càng khó hơn khi thực hiện dạy tích hợp đối với khối 8, khối 9, bởi lượng kiến thức sẽ nhiều hơn, sâu hơn”, cô Vũ Thị Ngọc, giáo viên bộ môn khoa học tự nhiên, trường THCS Ngô Sỹ Liên lo lắng.
Trước mắt giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn đang chủ động nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ với nhau về những nội dung liên quan thông qua sinh hoạt chuyên môn để bảo đảm mục tiêu giáo dục. Song giải pháp lâu dài và căn cơ nhất, theo cô Lê Thị Tượng, các trường đại học sư phạm phải đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là kiến nghị của nhiều cơ sở giáo dục.