Thách thức trong cung cấp nước sạch
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện nay tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ tăng dân số ở TP. Hồ Chí Minh đang ở mức cao, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội là nhu cầu về đời sống cần được nâng cao, trong đó, có nhu cầu về nước sạch. Hiện nay, 100% dân số của thành phố đã được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch nhưng hệ thống cấp nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện đại và trong tương lai. Mặt khác, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn đang đối mặt với những thách thức như ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế, xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai; tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô cung cấp cho thành phố, thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô; tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, dân số tăng nhanh.
Hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước mặc dù được đầu tư phát triển nhanh chóng và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh hơn nhưng cũng còn một số tồn tại, đơn cử như hệ thống phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều hạng mục công trình được đầu tư đã nhiều năm cần được cải tạo, quy hoạch mạng lưới cấp nước Thành phố được cấu tạo mạng vòng, không có những bể chứa nước để điều phối và dự phòng trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước; áp lực nước trên hệ thống cấp nước chưa đồng đều; chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp...
Theo thông tin từ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện nay, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của thành phố được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy nhiên, nguồn nước thô này đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn…
Chính vì vậy, tại Quyết định thực hiện Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu năm 2022 giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,46%; duy trì tỷ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Đồng thời, tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước tăng tỷ lệ bao phủ; ưu tiên đầu tư các dự án bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát nước sạch; tiếp tục lắp đặt thí điểm công trình cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng như công viên, trường học, bệnh viện; nâng cao ý thức người dân, cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch để bảo đảm sức khỏe.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình từ nguồn nước, xử lý nước đến mạng lưới đường ống cấp nước với các trang thiết bị tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; nghiên cứu, ứng dụng lựa chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường và bảo đảm cấp nước an toàn...
Hướng tới lộ trình giảm khai thác nước dưới đất
Cùng với thách thức trong cung cấp nước sạch, tình trạng khai thác nước ngầm tại TP. Hồ Chí Minh cũng tăng dần lên, dẫn tới nguồn nước ngầm bị suy giảm, nhất là vùng ngoại thành của thành phố. Hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức đang dẫn đến tình trạng sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, việc đào các giếng sâu và rộng để khai thác nước ngầm có thể lôi cuốn nước bẩn từ vùng khác đến, nếu không xử lý tốt và đúng kỹ thuật sẽ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân thành phố. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu giảm khai thác nước dưới đất.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2021, thành phố đã giảm khai thác nước dưới đất 16.650m3/ngày. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình giảm 8.000m3/ngày; trong khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 1.650m3/ngày; bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 3.000m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất của Sawaco giảm 4.000m3/ngày. Hàng năm, Sở đều phối hợp với quận, huyện, phường, xã, rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt và nhận thấy, số lượng hộ dân khai thác nước ngầm để sinh hoạt giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, ở những khu vực có nhu cầu tưới tiêu nhiều như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... việc hạn chế khai thác nước ngầm còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, theo lộ trình giảm khai thác nước dưới đất đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt thì đến cuối năm 2023, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn chỉ còn 150.000m3/ngày; đến cuối năm 2025, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn thành phố còn 100.000m3/ngày. Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất, trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra.