Nhiều kết quả
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007 là dấu mốc quan trọng, là cơ sở pháp lý cao nhất trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, qua hơn 15 năm thực hiện Luật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên; sản phẩm, hàng hoá được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường đến khâu sau khi đưa ra thị trường. Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật được ban hành đầy đủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng, thống nhất, đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân; trong đó có Giải thưởng Chất lượng quốc gia từ cấp địa phương đến Trung ương.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường tính minh bạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.
Hướng đến quản lý hiệu quả chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người tiêu dùng, động vật, thực vật, tài sản, môi trường và theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện đang quy định thẩm quyền ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, cách hiểu và xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ, ngành quản lý chưa được quy định cụ thể trong Luật nên dẫn đến tình trạng chưa thống nhất. Theo đó, danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có sự giao thoa, chồng chéo khiến cho cùng một mặt hàng nhưng doanh nghiệp phải chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Điều này dẫn đến những vướng mắc đối với tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo luật định.
Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trở thành nhu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Điều này đòi hỏi việc đặt sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam là trọng tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh với vai trò kiến tạo của Chính phủ.
Ngược lại, việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cũng được thể hiện thông qua sự cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được bảo đảm và bảo vệ. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng đầy đủ các nhu cầu khác nhau của nhân dân. Sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn được kiểm soát, hạn chế tối đa rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tập trung giải quyết 5nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật: Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế; Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng; Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo là Luật sửa đổi sẽ hướng đến mục tiêu quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm). Rà soát các nội dung quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá để chỉnh sửa theo hướng đẩy mạnh việc chuyển từ tiền kiểm (kiểm tra trước thông quan) sang hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan), bảo đảm triển khai thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu thống nhất, đồng bộ trên cơ chế một cửa quốc gia.