“Dù bố mẹ không theo binh nghiệp nhưng được sự động viên của gia đình và chính quyền địa phương, với lại sống trên địa bàn biên giới nên tôi viết đơn này tình nguyện nhập ngũ”. Đó là nội dung trong đơn tình nguyện nhập ngũ của anh Rơ Châm Gun (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) đã viết từ chính tâm tư, nguyện vọng, quyết tâm của mình. Anh Gun là 1 trong 12 thanh niên của xã Ia Pnôn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Gun cho biết: Dù đã có vợ và con, nhưng khi nhận được giấy báo nhập ngũ mình rất vui và sẽ nỗ lực hết mình và phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ huấn luyện trong thời gian quân ngũ.
Luôn có sự ngưỡng mộ các chú bộ đội trong màu áo xanh thân thuộc hay về giúp đỡ dân làng, từ lâu thanh niên Doãn Ngọc Xuân Trường (Thôn 2, xã Tân Sơn, TP Pleiku, Gia Lai) đã ước muốn được đứng trong hàng ngũ quân đội. Vui mừng khi ngày tòng quân sắp đến, Trường nói: “Ngay khi còn ngôi trên ghế nhà trường, hình ảnh về “chú Bộ đội Cụ Hồ” đã in đậm trong tâm trí của em và đây là niềm mơ ước của em được ấp ủ lâu nay. Vì thế, năm 2021 em đã làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa bước vào tuổi 17. Tuy nhiên, theo Luật, đến năm 2022 em tiếp tục viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ Quân sự và đã trúng tuyển”.
Giờ đây giấc mơ trở thành người lính Bộ đội Cụ Hồ của Trường đã được hiện thực hóa trong niềm vui, niềm tự hào của gia đình, bà con lối xóm. Bởi đây là nguyện vọng của Trường và cả gia đình với mong muốn con trai họ sẽ trưởng thành hơn và cống hiến một phần công sức cho Tổ quốc.
Trung tá Lê Đình Lộc - Phó Chỉ huy trưởng Động viên tuyển quân Ban Chỉ huy Quân sự TP Pleiku, tỉnh Gia Lai thông tin: “Năm 2023, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố là cơ quan thường trực của Hội đồng nghĩa vụ Quân sự thành phố đã tham mưu cho Hội đồng nghĩa vụ Quân sự thành phố làm tốt công tác tuyên truyền ngay từ đầu; thực hiện Nghị định 137 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Quốc phòng, cơ yếu; chú trọng vào công tác khám cận lâm sàng nhất là điện tim, chụp x-quang, siêu âm để phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn, khắc phục đổi trả, đổi bù. Do vậy, công tác khám sức khỏe làm rất chặt chẽ, đạt tỷ lệ khá. Đến giờ phút này, thanh niên đã xác định tốt tư tưởng sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ”.
Năm nay, tỉnh Gia Lai có 2.650 công dân nhập ngũ (trong đó có 2.250 thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, 400 thanh niên thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân). Các yêu cầu về sức khỏe, lý lịch chính trị, trình độ học vấn cũng cao hơn các năm trước. Chính vì thế, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, tuyển chọn, nguồn nhập ngũ cũng được chuẩn bị để đảm bảo đạt chỉ tiêu và chất lượng giao quân ở mức cao.
Việc triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội kết hợp với tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp đã nâng cao nhận thức cho Nhân dân, gia đình có thanh niên nhập ngũ.
Đại tá Lê Trọng Thủy - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, cho biết: Theo kế hoạch, sáng ngày 8.2.2023, tiếng trống hội tòng quân sẽ vang lên rộn rã thôi thúc, khích lệ, động viên công dân nhập ngũ các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các cấp đang tích cực, khẩn trưởng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp cùng ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự; bám sát cơ sở và sự chỉ đạo của Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các bước, các khâu trong quy trình giao, nhận quân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, năm nay, thanh niên có trình độ văn hóa cao hơn những năm trước (riêng cấp 3 đạt gần 40%; trình độ chuyên môn (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học đạt gần 3%; thanh niên nhập ngũ là đoàn viên, đảng viên đạt 99,84%). Tất cả đã sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng, đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.