Gai cột sống là gì?
Theo các bác sĩ Bệnh viện quận 11- Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Gai cột sống hay gai đốt sống là tình trạng các đốt sống xuất hiện mỏm xương mọc chồi ra ngoài, thường ở các khu vực tiếp giáp với đầu đốt sống, đĩa đệm, dây chẳng. Do gai cột sống chọc vào rễ thần kinh, mô mềm xung quanh nên gây đau. Đây là quá trình lão hóa tự nhiên của con người, liên quan đến thoái hóa cột sống của con người.
Các nguyên nhân gây gai cột sống như:
Yếu tố gia đình: gia đình có nhiều người bị gai xương cột sống thì bạn thuộc nhóm nguy cơ cao.
Thoái hóa cột sống: theo thời gian của tuổi tác, sụn khớp dễ bị bào mòn, nứt vỡ nên để đảm bảo cột sống hoạt động được thì cơ thể sẽ kích hoạt canxi bồi đắp. Thế nhưng, nếu sự lắng đọng canxi quá mức ở các vị trí không cần thiết sẽ hình thành gai xương.
Viêm khớp cột sống mạn tính: bệnh khiến hai bề mặt đốt sống tiếp xúc và cọ xát lên nhau, và hình thành gai đốt sống.
Chấn thương: làm tổn thương đĩa đệm dẫn đến hình thành gai xương. Thói quen sinh hoạt: người vận động quá mức, không đúng tư thế, uống nhiều bia rượu khiến cột sống thoái hóa, tạo điều kiện cho gai cột sống xuất hiện.
Dấu hiệu bị gai cột sống
Các bác sĩ Bệnh viện Quận 11 chia sẻ về các vị trí gai cột sống thường gặp như:
Gai đốt sống cổ: các đốt sống cổ có nhiều dây thần kinh và mạch máu đi qua, gần não bộ và cột sống. Gai đốt sống cổ thường chèn ép lên dây thần kinh tương đối nguy hiểm. Bệnh thường được phát hiện khi chụp X-Quang, CT scanner, MRI. Giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng, khi có triệu chứng thì bệnh thường đã nặng.
Gai đốt sống ngực: ít gặp hơn gai đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng vì khu vực này ít bị ảnh hưởng thay đổi tư thế so với phần cổ và lưng. Bệnh xảy ra chủ yếu do tuổi già.
Gai đốt sống thắt lưng: cột sống thắt lưng nằm ở giữa khoảng cách từ xương sườn đến xương chậu nên chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Bệnh thường gặp nhất so với đốt sống cổ và đốt sống ngực và diễn tiến như bệnh mạn tính, gây biến dạng cột sống thắt lưng.
Những người bị gai cột sống thường xuất hiện cơn đau cổ, vai – gáy, thắt lưng hoặc cả tay lẫn chân nhưng thường ở giai đoạn trễ, trong khi giai đoạn sớm thường âm thầm. Tùy vào từng vị trí mà người bệnh có dấu hiệu khác nhau như:
Gai đốt sống cổ: đau nhức ê ẩm, tăng khi cử động mạnh hoặc thay đổi thời tiết. Ngoài ra, người bệnh có cảm giác mỏi vai gáy, bả vai, tê bì và bị hạn chế vận động vị trí này. Nhiều người có cảm giác cổ căng cứng, khó quay đầu sang hai bên, chóng mặt, buồn nôi, đau nửa đầu, đau buốt lan lên đến đỉnh đầu.
Gai đốt sống ngực: đau ở phần ngực, khu vực giữa hai bả vai hoặc hai bên xương sườn, có thể lan xuống chân, đau khi đi, chạy bộ, nhức khi uốn người về phía trước, yếu cơ tay, chân, cảm giác căng cứng, tê bì.
Gai đốt sống thắt lưng: cơn đau có thể lan rộng xuống chân và háng, nhất là khi khom lưng, xoay người, ngồi lâu, đứng lâu. Cơn đau kéo dài liên tục trên 6 tuần. Người bệnh còn mất cân bằng nên thường có xu hướng cúi về trước hoặc ngửa ra sau. Ngoài ra, tê bì tay chân, vẹo cột sống, khó hoặc mất khả năng kiểm soát đại tiểu tiện.
Các phương pháp điều trị
Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Quận 11 nhận định, người cao tuổi do quá trình lão hóa nên cột sống không còn vững chắc, đàn hồi nên dễ thoát vị đĩa đệm, gai cột sống; người ngồi nhiều, ít vận động hay ngược lại do vận động quá mức, mang vác nặng; người thừa cân béo phì nên cột sống gánh trọng lượng cơ thể quá nặng, dẫn đến thoái hóa, thoái vị đĩa đệm, gai cột sống là những đối tượng dễ bị gai cột sống.
Phác đồ điều trị gai cột sống hiện nay chủ yếu là dùng thuốc giảm đau trong các giai đoạn cấp tính kết hợp thay đổi lối sống. Các phương pháp điều trị gai cột sống như:
Dùng thuốc: người bệnh được bác sĩ kê đơn thuốc làm dịu các cơn đau tức thời. Với người bị gai xương chèn ép vào thần kinh gây đau thì cần nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ. Nếu thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm steroid.
Tập thể dục thể thao, kết hợp vật lý trị liệu: bác sĩ sẽ tư vấn các bài tập phục hồi chức năng, áp dụng massage, vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng bệnh.
Phẫu thuật: nếu các biện pháp trên không hiệu quả hoặc gai xương đã quá to, dài chèn ép nghiêm trọng rễ thần kinh, tủy sống ảnh hưởng đến hoạt động thì phải phẫu thuật. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, gai xương vẫn có thể mọc lại ở vị trí cũ, do đó người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chú ý tư thế khi làm việc để ngăn ngừa tái phát.