![]() |
Nếu đang trong cơn bế tắc, tôi khuyên bạn là nên ăn món “gà không lối thoát”. Để thấy rằng: Không lối thoát (hay ít ra là bạn nhầm tưởng thế), có khi cũng là một chất xúc tác để bạn trở nên hay ho và giá trị hơn rất nhiều. Như món gà nguyên con, được bọc trong xôi nếp, nướng lên thơm lừng mà lúc này đang được cho là món lạ ở Hà thành.
“Gà không lối thoát” thật ra không lạ. Nó thậm chí gợi nhớ đến món “gà ăn mày” nổi tiếng bên Trung Quốc, hay món gà bọc đất sét (cũng có nơi gọi là “gà cái bang”) của người Tây Nam Bộ. “Gà ăn mày” hay gà bọc đất sét, đều gần như chung một cách chế biến: Gà sau khi được tẩm ướp sẽ được cuộn tròn trong lá sen hoặc lá cọ, đắp thêm lớp đất sét bên ngoài rồi đem đi nướng. Lại cũng có nơi, người ta để nguyên cả lông gà và nội tạng rồi đắp đất sét vào trực tiếp. Tới lúc chín, đất sét bóc tới đâu, lông gà tuột ra tới đó, trông đến là “kịch tính”! “Gà ăn mày” mà cứ như là “gà tiến vua”, ăn một lần nhớ mãi: Ngọt, thơm, mềm, béo…
“Gà không lối thoát” cũng được chế biến gần như thế, nhưng thay bằng đất sét, sẽ là xôi. Món ngon vì thế trông cũng bắt mắt hơn: Ngoài cùng là lớp xôi vàng ươm, chỉ nhìn thôi là đã biết giòn tan, rồi đến lớp da gà vàng rộm, và những thớ thịt trắng, đen xen kẽ, thơm mùi nếp mới… “Gà không lối thoát” hay hơn “gà ăn mày” ở chỗ, nó vừa có vị mềm, vị ngọt của “nàng gà bị cấm cung”, lại có thêm vị giòn tan của xôi nếp nướng. Trót ghiền món đấy, thì không phải gà mà chính thực khách mới là “không lối thoát”.
“Gà không lối thoát” không chỉ để ăn, mà còn để nói với bạn rằng: Không phải lúc nào cũng nhất thiết phải trưng ra “mặt tiền” bạn mới được cho là tâm điểm của sự chú ý. Có những chỗ đứng, khuất hơn, ẩn hơn, nhưng khi bạn bất ngờ hiện ra, lại vẫn đủ sức khiến những người trông thấy bạn phải vỡ òa. Vì bạn quá nồng nàn và mới mẻ. Bạn đã im lặng “đủ dùng”, hoặc đã để họ phải tìm kiếm quá lâu.
Đôi khi cần biến mất, thì mới được tìm thấy! Thật mà!