Tiết kiệm 298.000 kWh sản lượng điện
Trong tháng 3, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 23,22 tỷ kWh, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả quý I, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 61,83 tỷ kWh - giảm 1,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau: Thủy điện đạt 15,38 tỷ kWh, chiếm 24,9%; Nhiệt điện than huy động đạt 28,03 tỷ kWh, chiếm 45,3%; Tua bin khí đạt 7,14 tỷ kWh, chiếm 11,6%; Năng lượng tái tạo đạt 10,22 tỷ kWh, chiếm 16,5% (trong đó điện mặt trời đạt 6,45 tỷ kWh, điện gió đạt 3,47 tỷ kWh); Điện nhập khẩu đạt 953 triệu kWh, chiếm 1,5%.
Sản lượng điện truyền tải tháng 3 đạt 17,91 tỷ kWh. Lũy kế quý I.2023, sản lượng điện truyền tải đạt 48,27 tỷ kWh, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý I năm 2023, EVN cũng đã tổ chức vận hành tối đa các Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Tính cả 2 đợt lấy nước đổ ải (12 ngày), tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện là 3,62 tỷ m3 - tiết kiệm được 1,14 tỷ m3 nước so với kế hoạch. Công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành giữa các cơ quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các địa phương) được thực hiện tốt.
Việc tổ chức xây dựng lịch lấy nước được thực hiện trên cơ sở tính toán cụ thể, bảo đảm nhu cầu, đáp ứng thực tiễn cao, góp phần tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ cung cấp điện mùa khô năm 2023. So với các năm gần đây, tổng lượng xả năm 2023 thấp hơn 0,62 tỷ m3 so với năm 2022, thấp hơn 1,52 tỷ m3 so với năm 2021, chỉ cao hơn 0,94 tỷ m3 so với năm 2020 là năm có mưa lớn vào Tết Nguyên Đán.
Trong tháng 3 vừa qua, chiến dịch Giờ Trái đất 2023 có chủ đề "Tiết kiệm điện - Thành thói quen" được tổ chức với các hoạt động trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bằng thông điệp này, chương trình mong muốn tất cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trên toàn quốc hãy chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới một tương lai xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Hưởng ứng Giờ Trái đất năm nay, tận dụng kết nối mạng và công nghệ thông tin, chuyển đổi số, EVN đã đăng tải các nội dung tuyên truyền về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 trên các kênh truyền thông số của Tập đoàn. Bên cạnh đó, các Tổng Công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố còn đồng thời tuyên truyền các nội dung sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị; đồng thời vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian hưởng ứng Giờ Trái đất. Sau 1 giờ tắt đèn biểu trưng từ 20h30 - 21h30 ngày 25.3, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng).
Trong quý I năm 2023, EVN đã đôn đốc các đơn vị xử lý vướng mắc, thi công bám sát kế hoạch các dự án nguồn và lưới điện; đặc biệt là các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch 1. Về lưới điện: trong quý I năm 2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 12 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 26 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV.
Về tình hình tài chính, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không bảo đảm cân bằng tài chính.
Khuyến cáo sử dụng tiết kiệm điện
Với nhận định quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II.2023.
Tháng 4.2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 745 triệu kWh/ngày. Mục tiêu vận hành hệ thống: Tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân; đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương; dịp lễ 30.4 – 1.5. Đối với thủy điện, tiết kiệm triệt để thủy điện đa mục tiêu, nhất là các thủy điện ở miền Bắc để giữ nước, đảm bảo cung cấp điện lâu dài đến hết mùa khô. Đối với nhiệt điện than, tuabin khí: Huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí để giữ nước các hồ thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu huy động theo nhu cầu hệ thống, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chống quá tải lưới điện và chất lượng điện áp.
Trong tháng 4.2023, EVN tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung hoàng thiện các hồ sơ, thủ tục, giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án...
Để giảm thiểu tai nạn điện trong dân do vi phạm hành lang an toàn hành lang lưới điện, EVN và các đơn vị thành viên kiến nghị Sở Công Thương các tỉnh/thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện và phối hợp cùng các đơn vị Điện lực tăng cường công tác tuyên truyền đến các tổ chức, người dân. Đồng thời, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện trong các tháng mùa khô năm 2023, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.