
Phim Đừng đốt dựa theo Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ấn hành năm 2005, cố nhiên là không theo trật tự của nhật ký. Mở đầu, đó là cảnh một bệnh xá dã chiến phải di dời khẩn cấp vì bị lộ, chỉ còn 3 người ở lại với thương binh nặng, sau 9 ngày không được ai đến đón - như lời hẹn; và kết thúc là sự hy sinh của Đặng Thùy Trâm... Giữa mở đầu và kết thúc là tất cả những gì thật ấn tượng đã diễn ra, vừa trong nhật ký, vừa ngoài nhật ký trong khoảng cách thời gian 35 năm, và với không gian là nửa vòng Trái Đất mà công chúng đều đã được biết, qua 35 năm và 7 ngày ghi hành trình của Fred - người cựu binh Mỹ sang Việt Nam để gặp thân nhân liệt sỹ Đặng Thùy Trâm; và 7 ngày và 35 năm ghi lại hành trình của bà Doãn Ngọc Trâm sang Mỹ để nhìn tận mắt cuốn nhật ký của con gái - lúc này đã được cẩn trọng lưu giữ ở Viện Lưu trữ về Việt Nam - Đại học Texas. Phải một dụng công rất lớn trong kịch bản và đạo diễn mới thu gọn được như thế mà không gây cảm giác chắp nối, hoặc thiếu, hoặc rườm rà...
Một bộ phim rút từ nhật ký chiến tranh, vào những tháng năm căng thẳng nhất (1968-1970), ở một chiến trường ác liệt nhất (Đức Phổ, Quảng Ngãi), đương nhiên phải có tiếng súng, tiếng máy bay quần đảo, máu me và chết chóc; là những khuôn mặt vô cảm và dữ dằn của đội quân xâm lược. Nhưng, qua phim, ấn tượng tương phản và bao trùm lại là những chăm nom cho sự sống, là tiếng hát làm dịu nỗi đau, những câu chuyện làm nguôi khuây nỗi nhớ. Là cây bút, ngọn đèn và cuốn sổ. Là một đóa hoa rừng bất ngờ gặp được. Là cái nắm tay hoặc vòng ôm của người chị đối với em. Là cánh bướm và những giấc mơ. Là ký ức về tuổi thơ và về mẹ... Có lẽ đạo diễn Đặng Nhật Minh đã không bỏ sót những chi tiết quan trọng như đã được ghi vào nhật ký trong 3 năm cuộc sống chiến trường của Đặng Thùy Trâm. Rồi nhờ vào những gì đã diễn ra chung quanh cuốn nhật ký hàng chục năm sau đó mà mở ra một biên độ rất rộng của tình người, khởi nguồn từ Đặng Thùy Trâm, và sau đó là những người như bà mẹ của Fred - qua câu chuyện với mẹ Đặng Thùy Trâm, trong chuyến bà sang Mỹ tháng 5.2005: “Tình yêu là con đường duy nhất đi đến tận cùng Trái Đất. Khi người biết mặt nhau, họ trở thành bạn. Khi chạm đến trái tim của nhau, họ trở thành những người thân yêu”; và trong lời của Thị trưởng Bethel - quê hương của Fred: “Sức mạnh của con người không nằm ở vũ khí hay bất kỳ loại vật chất sở hữu nào; chỉ có những trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc qua thời gian và chờ dịp được nở hoa” (7 ngày và 35 năm).

Nhạc phim là của người nước ngoài, nhưng sự lắng sâu là dành cho Bài ca hy vọng xuất hiện rất đúng lúc trong hai lần; cùng với dìu dặt bản Đanuýp xanh trong sinh hoạt gia đình một trí thức Hà Nội, và bài Thiên thai cho dàn tập Thái cực quyền buổi sáng của bà mẹ Thùy Trâm. Cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ, ở hai phương trời khác nhau, như một minh chứng cho chân lý: “phúc đức tại mẫu” - một bên là những mất mát được bù đắp bởi sự sống của con gái trong lòng cộng đồng; một bên là hạnh phúc con trở về nhưng không hết xót xa vì vết thương lòng ở con là chỉ giảm nhẹ chứ không hàn gắn được... Cả hai ngồi bên nhau, trong cái tuổi chiều của đời, với hạnh phúc không quá muộn là được đến với nhau (để cho Fred ngồi ở giữa), được chia sẻ và nâng niu những gì quý giá nhất còn lưu giữ được.
Tình huống cuối của bộ phim: sau trực tả cái chết của Đặng Thùy Trâm ở chiến trường, với đôi mắt mở to nhìn đăm đắm lên bầu trời cao vọi (một thoáng phim Liên Xô Đàn sếu bay cách đây ngót 50 năm), là hình ảnh Thùy với chiếc xe đạp trên một dải đường Hà Nội, nhỏ dần và xa dần, đến hút mắt. Một ước mơ? Hoặc sự sống được tái sinh? Như không có gì xảy ra trước đó. Để Thùy được trở về nhà, gặp lại mẹ và các em, gặp lại Hà Nội thân yêu của chị, trong giai điệu ngọt ngào của Bài ca hy vọng. Có dễ đến hơn một phút như thế, nhưng khán phòng vẫn im lặng, chờ cho đến lúc đèn bật sáng, tất cả mới đứng dậy. Tôi rất chú ý đến phút im lặng khác thường này - im lặng trong phim và im lặng trong khán phòng; cái im lặng của sự lắng đọng biết bao điều và bao cảm xúc dồn nén sau hơn 100 phút trên màn ảnh. Thế là thêm một dịp nữa, chiến tranh đã gợi thức khát vọng hòa bình, để cho những người con ưu tú nhất không phải hy sinh; và những ai đã hy sinh cần được bù đắp. Thông điệp đó rất mong được chuyển đến cho tất cả mọi người, và tôi tin Đừng đốt đã làm được.
Ở tư cách là người đọc, rồi người xem, tôi rất mong muốn Đừng đốt được chiếu cho công chúng rộng rãi; và sau Đừng đốt sẽ còn những sáng tạo nghệ thuật khác, thuộc nhiều lĩnh vực; bởi trong và sau cuốn nhật ký, vẫn còn nguyên vẹn biết bao điều để chúng ta và các thế hệ sau cùng khai thác, ngẫm nghĩ. Nếu như Fred và Rob, trong mong muốn đưa bản dịch tiếng Anh đầu tiên có tên Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình sớm đến với độc giả, “để thế giới được lần đầu tiên nhìn vào tâm hồn tuyệt đẹp của một người con gái trí thức Việt Nam”, thì chúng ta - những đồng hương của chị, hẳn còn có thể làm được nhiều hơn, không cho riêng Đặng Thùy Trâm mà còn cho quê hương và Tổ quốc Việt Nam. Bởi, với Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký của chị - đó là những gì thật kỳ diệu trong cuộc chiến đấu của chúng ta, cuộc chiến đấu không chỉ vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc mà còn là vì lương tâm và phẩm giá con người.